Hà Nội: 17°C
Thừa Thiên Huế: 15°C
TP Hồ Chí Minh: 28°C
Quảng Ninh: 18°C
Hải Phòng: 17°C

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều dấu ấn nổi bật như giá vàng liên tục phá đỉnh, dậy sóng đấu giá đất vùng ven Hà Nội, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam 1,7 triệu tỉ đồng, xu hướng mới của nền kinh tế giải trí,…

Kinh tế Việt Nam phục hồi, tăng trưởng nhưng chưa đồng đều

Năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng, mức tăng trưởng quý III đạt 7,4% cao nhất ASEAN-6. Dự báo cả năm, nền kinh tế có thể tăng trưởng 7%, cao hơn so với kỳ vọng đầu năm. Điểm sáng nhất thuộc về xuất khẩu khi 11 tháng đầu năm tăng gần 15% so với năm ngoái, xuất siêu tới hơn 24 tỉ USD. Đồng thời thu hút FDI cũng là điểm sáng khi tính đến ngày 30/11 đạt 31,4 tỉ USD, vốn thực hiện ước đạt khoảng 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn này tạo động lực cho nền kinh tế khi đầu tư tư nhân còn thấp, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Bức tranh chung dù đang thể hiện sự phục hồi, tăng trưởng nhưng rõ ràng chưa đồng đều ở các khu vực doanh nghiệp và địa phương. Một bộ phận doanh nghiệp có thể đang tốt nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Nhìn vào tốc độ tăng giảm chỉ số sản xuất công nghiệp ở các địa phương thì thấy rằng có những địa phương tăng cao, song cũng có những địa phương được kỳ vọng có động lực tăng trưởng mới thì rất kém. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khi chưa hết năm đã đạt 176.000 doanh nghiệp, con số kỷ lục cao hơn cả thời kỳ Covid-19. Nguyên nhân là sự lệch pha của nền kinh tế, trong khi doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững thì nhiều doanh nghiệp nội địa nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa điêu đứng.

Hậu quả nặng nề từ cơn bão lịch sử Yagi

Ngày 7/9, bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đổ bộ đã vào Việt Nam. Mặc dù đã rất nỗ lực, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa sức người, sức của phòng chống, ứng phó từ sớm từ xa, nhưng do bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ và diễn biến rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nên mức độ thiệt hại lớn.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Bão Yagi làm 318 người chết, 26 người mất tích; 1.976 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Thiên tai còn gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tổng thiệt hại kinh tế do bão Yagi và hoàn lưu bão ước tính sơ bộ trên 81.000 tỉ đồng, tương đương gần 3,3 tỉ USD. Thiên tai làm cho tăng trưởng cuối năm và nhiều địa phương có thể chậm lại. Trong đó, quý III có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% và ước cả năm GDP có thể giảm 0,15%. Tăng trưởng cả năm dù có thể đạt 6,8-7%, nhưng nhiều ngành sản xuất giảm, tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... giảm trên 0,5%.

Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam

Vào kỳ họp tháng 11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỉ đồng, tương đương 67 tỉ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035. Toàn tuyến được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Theo ước tính, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách với giá trị ước tính khoảng 2 tỉ USD; đồng thời, giảm chi phí đi lại cho xã hội khoảng 6,5 tỉ USD vào năm 2050. Với tăng trưởng kinh tế, dự án này được dự báo có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP/năm.

Đây là dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan toả kinh tế sang nhiều lĩnh vực. Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam đóng vai trò quan trọng nhất của cả nước, kết nối 3/6 vùng kinh tế - xã hội, 20 tỉnh/thành phố, 2 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I, quy mô dân số 500.000 dân, khoảng 54% dân số đô thị cả nước, 67% khu kinh tế ven biển, khoảng 63% khu kinh tế, 72% cảng biển lớn loại I-II, đóng góp trên 51% GDP cả nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trở thành trục động lực để kết nối các hành lang kinh tế Đông - Tây, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước nhanh, hiệu quả và bền vững.

'Bắt tay' NVIDIA, Việt Nam vươn tầm trong kỷ nguyên AI

Trong năm 2024, Việt Nam là điểm đặt chân đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bán dẫn, bán lẻ,... đến năng lượng tái tạo. Nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như Nvidia, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… cho biết đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Trong tháng 12, Chủ tịch Nvidia chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu AI. Thỏa thuận này không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế mà còn tạo đà cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á.

Đây được đánh giá là bước ngoặt mang tính lịch sử, mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm R&D về AI hàng đầu châu Á, tạo đột phá cho các ngành công nghệ then chốt và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho nguồn nhân lực trong nước.

Khác với mô hình thu hút đầu tư từ các "ông lớn" công nghệ trước đây, chủ yếu mới ở mức xây dựng những nhà máy, tổ hợp sản xuất đơn thuần nhằm tận dụng lực lượng lao động giá rẻ, việc thu hút NVIDIA đầu tư vào trung tâm R&D về AI hứa hẹn sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Hiện nay, trong số các "đại bàng" công nghệ toàn cầu đến Việt Nam chỉ có Samsung và NVIDIA quyết định đầu tư vào trung tâm R&D lớn. Riêng trong lĩnh vực AI, NVIDIA là tập đoàn đầu tiên lập trung tâm R&D.

Cơn sốt vàng

Năm 2024 chứng kiến sự biến động lớn của thị trường vàng khi giá liên tục phá đỉnh ở cả thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là khoảng chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới quá lớn. Đà tăng giá vàng thời gian được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị tăng cao, kỳ vọng bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, xu hướng đa dạng hoá danh mục đầu tư,…

Giá vàng biến động với biên độ rất mạnh, người dân vẫn đổ xô nhau mua bán khiến thị trường trở nên bất ổn. Dù vàng không còn là phương tiện thanh toán nhưng nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy đến nền kinh tế. Giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp thông qua tổ chức bán đấu thầu và bán cho các ngân hàng thương mại với giá thấp hơn so với thị trường. Các phiên đấu thầu ban đầu chỉ đạt hiệu quả giới hạn, với lượng vàng trúng thầu thấp và giá thị trường vẫn biến động lớn. Tuy nhiên, khi NHNN áp dụng biện pháp bán vàng trực tiếp cho Big4 và SJC với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường, hiệu quả đã rõ rệt. Giá vàng giảm mạnh, khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, việc này dẫn đến tâm lý ‘Hội chứng sợ bỏ lỡ’ (FOMO) khi người dân đổ xô mua vàng bình ổn, thậm chí xếp hàng từ sớm. Đáng chú ý khi cơ quan công an xác định có nhóm đối tượng được thuê xếp hàng để mua vàng miếng do các Ngân hàng thương mại Nhà nước và bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc.

Cơn sốt đấu giá đất Hà Nội

Trong năm thị trường bất động sản cho tín hiệu phục hồi, Hà Nội trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi đợt sốt chung cư vào giữa năm và dậy sóng đấu giá đất vùng ven nửa cuối năm.

Sau nhiều năm thiếu hụt nguồn cung, loạt dự án mới lần lượt được tung ra thị trường với giá bán phổ biến trên 70 triệu đồng/m2, vượt xa so với mức 30 - 40 triệu đồng/m2 trước đó. Thậm chí một số dự án có giá bán 100 - 130 triệu đồng/m2 như ở Đông Anh hay 165 - 270 triệu đồng/m2 ở Tây Hồ.

Giai đoạn quý I/2023 - quý IV/2024, tăng trưởng giá chung cư Hà Nội là 58%, trong khi TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 17%, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn. “Ngáo giá”, “thổi giá”, “FOMO”… là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nói về thị trường trường chung cư Hà Nội vào thời điểm đó.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Khi cơn sốt chung cư chưa kịp hạ nhiệt thì đất nền vùng ven bắt đầu dậy sóng, khởi điểm là huyện Hoài Đức. Chỉ trong vòng vài tháng, nhiều lô đất đã tăng thêm 15 - 20 triệu đồng/m2, kéo lượng lớn môi giới, nhà đầu tư đổ dồn về khu vực này.

Phiên đấu giá đất ở Thanh Oai với hàng nghìn người tham gia nộp hồ sơ và diễn ra xuyên đêm đã mở màn cho hàng loạt phiên đấu giá đất ở Thạch Thất, Sóc Sơn… sau đó. Ngoài việc giá trúng hàng trăm triệu đồng/m2, cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần giá khởi điểm, các phiên đấu giá đất còn ghi nhận có nhiều “tay to” gom nhiều lô.

Sau sự kiện trên, chính quyền Hà Nội đã vào cuộc rà soát những dấu hiệu bất thường, điển hình là 5 người đấu giá 30 tỉ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn đã bị tạm giữ để điều tra vào đầu tháng 12.

Khối ngoại rút ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại mạnh và kéo dài chưa từng có trong lịch sử. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến VN-Index không ngừng lao dốc, khi mà nhiều nhà đầu tư nội vẫn lựa chọn đứng ngoài quan sát thị trường. Tính đến ngày 17/12, khối ngoại bán ròng tổng cộng 92.514 tỉ đồng, vượt xa mức đỉnh trước đó là 62.538 tỉ đồng ghi nhận trong năm 2021. Trong 20 tháng qua, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng duy nhất tháng 1/2024. Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung trên sàn HOSE với giá trị 90.180 tỉ đồng, chủ yếu tại các mã vốn hóa lớn như VHM, VIC, VNM, FPT, MSN, VIB, HPG, VPB. Điểm sáng của thị trường là dòng tiền nội gia nhập, đóng vai trò lực cầu đối ứng khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Động thái rút vốn của khối ngoại trước hết được cho là đến từ áp lực tỉ giá. Việc đồng nội mất giá so với đồng đô la Mỹ tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn. Đáng chú ý, xu hướng này được nhiều tổ chức dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Bên cạnh yếu tố tỉ giá, dòng vốn ngoại dịch chuyển còn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường. Thị trường chứn khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Nếu xét về mức tăng của chỉ số chứng khoán, những thị trường cận biên và mới nổi có hiệu suất thấp hơn hẳn nếu so với khu vực phát triển. Ngoài ra, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá chất lượng là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.

Theo dự báo của các chuyên gia, sau giai đoạn rút ròng kỷ lục, dòng tiền ngoại sẽ trở lại Việt Nam dựa trên một số câu chuyện như nâng hạng thị trường, định giá hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp…

Thương mại điện tử bùng nổ: Thách thức quản lý thuế

Kinh doanh thương mại điện tử bùng nổ trên phạm vi toàn cầu trong những năm qua. Thương mại điện tử Việt Nam được Bộ Công Thương dự báo chạm mốc 25 tỉ USD vào cuối 2024. Tốc độ tăng trưởng 25% giúp thương mại điện tử Việt Nam sẽ sớm cán mốc 63 tỉ USD vào cuối năm 2030 - vượt qua Thái Lan đang đứng thứ hai khu vực, theo Google, Temasek và Bain & Company.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Sự phát triển công nghệ cùng tác động từ đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với doanh thu tại Việt Nam tăng gần 5 lần trong 6 năm (2017-2024), từ 3,42 tỉ USD lên gần 14,7 tỉ USD. Những phiên livestream bán hàng - hình thức dần trở nên phổ biến trong năm qua, mang lại doanh thu kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trong ngành thương mại số đến từ những cái tên như Quyền Leo Daily, Phạm Thoại, Hằng Du Mục,…

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý thuế của Việt Nam. Trong đó có cả nghề tiếp thị liên kết - trở nên nóng hơn bao giờ hết trên cả nghị trường Quốc hội lẫn trên các sàn thương mại điện tử.

Giai đoạn cuối năm thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ của các sàn quốc tế như Temu, Shein. Với tiềm lực tài chính mạnh cùng chiến lược bán hàng giá rẻ trực tiếp từ nhà máy đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn nhưng lại tạo ra không ít những lo lắng thách thức cho các thương nhân nội địa.

Bùng nổ kinh tế giải trí

Cuối năm 2023, hai đêm diễn tại Mỹ Đình của nhóm nhạc thần tượng Blackpink Hàn Quốc đã mở màn cho một xu hướng mới của nền kinh tế giải trí nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Năm 2024 tiếp tục là năm bùng nổ của game show truyền hình tại Việt Nam và những hoạt động trình diễn nghệ thuật. Những đêm concert thành công như "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" cho thấy công nghệ tổ chức biểu diễn trong nước đã có thể so sánh với nhiều concert quốc tế.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Các đêm diễn “cháy vé” không những đã tạo ra trào lưu âm nhạc thần tượng mới mà còn mang về doanh thu khủng cho các nhà sản xuất. Các chuyên gia cho rằng, concert không chỉ là sân chơi của giới trẻ, nhiều gia đình, đôi bạn hay nhóm bạn đã biến các buổi hòa nhạc thành dịp để du lịch và khám phá văn hóa địa phương hay còn biết đến là xu hướng du lịch âm nhạc. Xu hướng du lịch âm nhạc kết hợp giữa tham dự sự kiện và khám phá địa phương đã góp phần mở ra những cơ hội kinh tế mới. Những nhóm khán giả, từ gia đình đến du khách quốc tế, biến các sự kiện âm nhạc thành lý do để tiêu dùng và trải nghiệm. Điều này tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, từ ngành hàng không, khách sạn, cho đến nhà hàng và dịch vụ vận chuyển.

Đứng trước tiềm năng lớn, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp 7% GDP của cả nước vào năm 2030, 8% vào năm 2035. Con đường để hướng ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam tới quy mô như tại Trung Quốc hay Hàn Quốc còn rất dài. Nhưng những tín hiệu thành công ban đầu vừa qua có thể là những "ngọn cờ đầu" để thổi bùng khát vọng đưa văn hóa Việt chinh phục người Việt và dần vươn ra quốc tế.

Hậu quả của "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB với người chủ mưu là bà Trương Mỹ Lan được đánh giá là đại án tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Cùng với bà Lan, có 86 bị cáo khác bị đưa ra xét xử, trong đó nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng SCB và các doanh nghiệp liên quan.

Những lời khai trong phiên tòa đã làm sáng tỏ thủ đoạn phát hành trái phiếu trái phép, hợp thức hóa các khoản vay và chiếm dụng tiền gửi của khách hàng thông qua Ngân hàng SCB. Đặc biệt, vụ án còn hé lộ mối quan hệ phức tạp giữa các pháp nhân và cách bà Lan thao túng hệ thống tài chính trong thời gian dài mà không bị phát hiện.

10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Trong đại án kinh tế này, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị tuyên án tử hình với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị tuyên buộc bồi thường hơn 673.000 tỉ đồng dư nợ của các khoản vay đến thời điểm khởi tố vụ án và trả lại 304.000 tỉ đồng cho Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả. Tòa án cũng yêu cầu bà phải nộp án phí kỷ lục hơn 670 tỉ đồng.

Ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan bị cơ quan điều tra cáo buộc lũng đoạn Ngân hàng SCB, vấn đề ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ 01/7/2024, đã điều chỉnh giảm tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân đã từ mức 5% xuống còn 3%. Tuy nhiên, chống sở hữu chéo, nhất là sở hữu gián tiếp là bài toán khó với cơ quan quản lý do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông, cá nhân liên quan thường rất phức tạp. Ngoài việc quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần còn cần có sự giám sát chặt chẽ từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Nguồn:10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024

Trung Anh
thuongtruong.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 25/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm, chúc Tết các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác

Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm, chúc Tết các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác
Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng vừa đi thăm, chúc tết và kiểm tra các đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chỉ số ô nhiễm không khí trong những ngày Tết có xu hướng giảm

Chỉ số ô nhiễm không khí trong những ngày Tết có xu hướng giảm
Ứng dụng Air Visual dự báo, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm trong những ngày Tết.

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 27/1/2025: Tuổi Hợi khá may mắn, tuổi Mão gặp mâu thuẫn

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 27/1/2025: Tuổi Hợi khá may mắn, tuổi Mão gặp mâu thuẫn
Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 27/1/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...

Nhan sắc gợi cảm của nữ nghệ sĩ giàu nhất thế giới

Nhan sắc gợi cảm của nữ nghệ sĩ giàu nhất thế giới
Taylor Swift là một trong những ngôi sao tỷ USD của làng giải trí thế giới, cô sở hữu vẻ đẹp đầy thu hút.
Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Gửi tương lai

Net Zero - Gửi tương lai

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

5 Minute Countdown Timer

5 Minute Countdown Timer

Need a 5 minute timer for your next event? Look no further! This timer is perfect for morning services, youth sessions, ceremonies, church meetings, and many other things! Enjoy this nice and simple universal design to fit whatever you need it for.
Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

The milky way is such a common subject to shoot for stills and timelapse. While many sequences feature wide-angle shots of our home galaxy, there seem to be lacking many close-ups (medium format, deep-sky timelapse). That's how I made the latter my specialty over the past 4 years, with a hand-crafted workflow that enabled me to produce some of the best detailed/colored time lapses of the milky way on the market for that resolution.
NOX ATACAMA | 8K

NOX ATACAMA | 8K

The Atacama desert is home to the darkest and cleanest skies in the world. A view to the nightsky rewards with uncountable numbers of stars and fantastic nebulas in one of the most quiet a empty places on earth. Not a single noise distracts from the grand show the nightsky has to offer. The environment is harsh though. Filmed in freezing temperatures, altitudes up to 5000m/16000ft, salt lakes and icy slopes, the Atacama is not friendly to life and equipment. Though it provides without doubt for epic and vast vistas of one of the greatest landscapes on earth.