170 con bò rừng có thể "xử đẹp" lượng khí thải của 100.000 ô tô
Bò rừng là minh chứng về cách các loài động vật có thể giúp giảm thiểu một số tác động của khủng hoảng khí hậu. |
Bò rừng châu Âu đã biến mất khỏi Romania hơn 200 năm trước, nhưng Tổ chức Tái hoang dã châu Âu và WWF Romania đã đưa loài này trở lại vùng núi phía nam Carpathian vào năm 2014. Kể từ đó, hơn 100 con bò rừng đã tăng số lượng trong đàn lên hơn 170 con ngày nay. Chúng trở thành một trong những quần thể động vật di chuyển tự do lớn nhất ở châu Âu.
Nghiên cứu mới nhất đã sử dụng một mô hình mới được phát triển bởi các nhà khoa học tại Trường Môi trường Yale và được tài trợ bởi Liên minh Tái hoang dã Toàn cầu, kết hợp với công trình về bò rừng do WWF Hà Lan tài trợ. Mô hình đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý đã tính toán lượng CO2 mà các loài động vật hoang dã giúp thu giữ và lưu trữ trong đất thông qua các tương tác của chúng trong hệ sinh thái.
Đàn bò rừng châu Âu chăn thả trên diện tích gần 50 km2 đồng cỏ ở vùng núi Țarcu, được phát hiện có khả năng hấp thụ 54.000 tấn carbon mỗi năm. Con số này cao hơn gần 9,8 lần lượng carbon so với khi khu vực này không có sự xuất hiện của bò rừng (các tác giả báo cáo lưu ý rằng con số 9,8 có thể cao hơn hoặc thấp hơn tới 55% so với thực tế nên ước tính trung bình không chính xác tuyệt đối). Để dễ hình dung, các nhà nghiên cứu cho biết, con số này tương ứng với lượng CO2 do khoảng 43.000 - 84.000 ô tô chạy xăng của Mỹ thải mỗi năm hoặc mức trung bình của 123.000 ô tô ở châu Âu, do xe ở châu Âu có hiệu suất về khí thải cao hơn.
Giáo sư Oswald Schmitz của Trường Môi trường Yale ở Connecticut, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Bò rừng ảnh hưởng đến đồng cỏ và hệ sinh thái rừng bằng cách làm phì nhiêu đất, tái chế chất dinh dưỡng để bón cho đất và toàn bộ hệ sinh thái, cũng như phân tán hạt giống để thúc đẩy hệ thực vật phát triển và nén chặt đất để ngăn chặn lượng carbon lưu trữ thoát ra ngoài.
“Những chú bò rừng đã tiến hóa hàng triệu năm trong môi trường đồng cỏ và rừng. Việc loại bỏ chúng, đặc biệt là ở những nơi đồng cỏ bị cày xới, đã dẫn đến việc thải ra một lượng lớn carbon. Khôi phục các hệ sinh thái này có thể mang lại sự cân bằng và những chú bò rừng ‘tái sinh’ chính là vị anh hùng khí hậu có thể giúp đạt được điều này”.
Alexander Lees, một nhà quan sát về đa dạng sinh học tại Đại học Manchester Metropolitan, đứng ngoài công trình, cho biết nghiên cứu “tạo ra một bằng chứng thuyết phục cho việc tái thả bò rừng châu Âu như một giải pháp chống biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên – một giải pháp có nhiều lợi ích lớn cho việc bảo tồn đa dạng sinh học”.
Lees cho biết nhiều nghiên cứu thực địa sẽ giúp xác nhận mô hình mà công trình nêu và giúp ta hiểu biết thêm về việc mất bao lâu để bò rừng phát huy lợi ích, đồng thời nói thêm: “Nghiên cứu này củng cố sự đồng thuận đang dấy lên, cho rằng các loài động vật có vú lớn đóng vai trò rất quan trọng trong chu trình carbon. Các nỗ lực tái xây dựng môi trường sinh thái hoang dã là công cụ quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học vốn đang đan xen”.
Là loài chủ chốt trên đồng cỏ, bò rừng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Việc chúng được chăn thả tự do giúp duy trì tính đa dạng sinh học của rừng, cây bụi, đồng cỏ và cả môi trường sống vi mô. Ở vùng núi Țarcu, sự trở lại của đàn bò cũng đã truyền cảm hứng cho hoạt động du lịch gắn liền thiên nhiên và các hoạt động kinh doanh xung quanh việc tái xây dựng vùng hoang dã.
Giáo sư Schmitz lưu ý rằng đồng cỏ Carpathian có điều kiện đất đai và khí hậu cụ thể. Do đó, ảnh hưởng tích cực của bò rừng châu Âu không nhất thiết cần nhân rộng trên phạm vi quốc tế - chẳng hạn, nếu nuôi bò rừng đồng cỏ ở Mỹ thì hiệu quả không cao bằng. Do vậy, mỗi vùng cần phải tìm hiểu loài thích hợp để khỏi lợi bất cập hại.
Schmitz cho biết nhóm nghiên cứu đã xem xét cặn kẽ 9 loài, gồm voi rừng nhiệt đới, bò xạ hương và rái cá biển, đồng thời đã bắt đầu điều tra các loài khác. Ông nói thêm: “Nhiều loài trong số chúng cho thấy những hứa hẹn tương tự như những con bò rừng này, thường tăng gấp đôi khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của hệ sinh thái và đôi khi còn hơn thế nữa. Đây thực sự là một lựa chọn chính sách có tiềm năng to lớn”.
Magnus Sylvén, giám đốc thực hành chính sách khoa học tại Global Rewilding Alliance, cho biết: “Nghiên cứu này mở ra nhiều lựa chọn mới cho các nhà hoạch định chính sách khí hậu trên toàn thế giới. Cho đến nay, việc bảo vệ và phục hồi thiên nhiên phần lớn được coi là một thách thức và cái giá khác mà chúng ta phải trả là đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Nhưng nghiên cứu này cho thấy chúng ta có thể giải quyết cả hai thách thức: chúng ta có thể khôi phục thiên nhiên thông qua việc tái xây dựng vùng hoang dã và điều này sẽ giảm lượng carbon khổng lồ, giúp ổn định khí hậu toàn cầu”.
Nguồn: 170 con bò rừng có thể 'xử đẹp' lượng khí thải của 100.000 ô tô