2 Dự án yếu kém của ngành Công Thương tại Lào Cai
Bình Dương sẽ "cắm biển báo" đối với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện bán Bộ trưởng Bộ TN&MT: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang |
Đối với VTM, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5. Hiện nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam đề xuất 3 phương án tái cơ cấu dự án VTM: Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC). Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh. Ba là VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.
Tuy nhiên, phía Tổng Công ty Thép Việt Nam đã nhiều lần họp với các đối tác trong liên doanh để thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VTM nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kiểm tra Nhà máy DAP-2. Ảnh: TM |
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, nhà máy đạt doanh thu 1.521 tỷ đồng, lợi nhuận 75 tỷ đồng, trả nợ các ngân hàng được 130 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn này đã chọn phương án tái cơ cấu DAP-2 theo phương án tái cơ cấu tài chính. Phía các ngân hàng cần có sự hỗ trợ giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay và hủy lãi phạt do chậm nộp tiền trả cho ngân hàng để doanh nghiệp từng bước hồi phục sản xuất kinh doanh và trả nợ cho ngân hàng.
Ngày 23/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã đi kiểm tra thực địa hai dự án nêu trên và làm việc với các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, các bên liên doanh làm việc chưa chuyên nghiệp, mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả dẫn tới thua lỗ. Ông kiến nghị nếu không có phương án tái cơ cấu hợp lý sẽ thu hồi giấy phép vào cuối tháng 12/2022 (đây cũng là thời điểm giấy phép của VTM hết thời hạn cần làm thủ tục gia hạn).
Sau khi nghe các báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, đối với dự án Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), các bên liên doanh cần có sự thống nhất về phương án tái cơ cấu để các bộ, ngành, Chính phủ có căn cứ đưa ra quyết định. Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cho 2 dự án của ngành Công Thương tại Lào Cai. Ảnh: TM |
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại cuộc họp về tái cơ cấu các dự án yếu kém của ngành công thương được tổ chức trước đó vào ngày 15/7/2022 và yêu cầu đến ngày 30/8 phải có phương án rõ ràng kể cả về giấy phép khai thác mỏ, các hoạt động liên doanh về phía Việt Nam để báo cáo với Thường trực Chính phủ có phương án về việc xử lý tái cơ cấu dự án VTM. Đồng thời yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung phối hợp với các bên sớm xây dựng đề án để trình Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nghiên cứu các ý kiến và thống nhất phương án cơ cấu lại các khoản nợ vay của ngân hàng để cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp như đã cam kết với ngân hàng. Đối với ngân hàng thương mại, mặc dù không ký cam kết được nhưng đề nghị phải có kế hoạch trả nợ, điều đó sẽ tốt hơn việc xử lý tài sản đảm bảo. Riêng đối với dự án DAP-2, Phó Thủ tướng yêu cầu cần hết sức quan tâm vấn đề môi trường, trong lúc đang khó khăn thì việc xử lý chất thải rắn, chất lỏng và khí thì phải đặc biệt quan tâm không để xảy ra sự cố. "Doanh nghiệp cần có phương án triệt để và khoa học, tôn trọng pháp luật, hoạt động sản xuất không được để ô nhiễm môi trường", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: 2 Dự án yếu kém của ngành Công Thương tại Lào Cai