Bà Rịa-Vũng Tàu: Dầm mình trong mưa khơi thông dòng chảy
Công nhân thoát nước dầm mình dưới mưa lật tấm đan khơi thông dòng chảy tại điểm ngập khu vực vòng xoay Lê Hồng Phong - Thống Nhất mới (TP. Vũng Tàu). |
Những bữa ăn vội...
18 giờ trời mưa lớn, đang bưng chén cơm thì nhận cuộc điện thoại từ lãnh đạo, anh Hiền vội vã khoác áo mưa, đội nón rời nhà đến vị trí trực chốt “điểm nóng” ngập úng ở khu vực ngã ba Hạ Long - Quang Trung - Trương Công Định (phường 1, TP. Vũng Tàu). Mưa trắng trời, nước mênh mông. Vì là điểm trũng nên nước đổ về hố thu ở góc công viên Bãi Trước cuồn cuộn.
Dáng người nhỏ bé đứng giữa dòng nước chảy xiết, anh Hiền luôn tay vớt rác ra khỏi họng cống, trên tấm đan. Tôi gắn bó với công việc này hơn 5 năm. Cứ mưa to là phải ra đường ứng trực dù là sáng sớm hay chiều muộn. Mấy hôm nay trời mưa miết, anh em chúng tôi phải làm việc liên tục, ngâm mình cả ngày dưới mưa từ 5 giờ đến 22 giờ mới về nhà”, anh Hiền nói.
10 giờ ngày 20/10, trong cơn mưa như trút nước do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, anh Hoàng Xuân Hưng, Xí nghiệp thoát nước Vũng Tàu mặc áo mưa, lội bì bõm trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 2) đang ngập sâu 50-60cm để lật từng tấm đan, vơ từng nắm rác.
“Mưa như thế này anh em làm việc rất vất vả, ngâm lâu trong nước ai cũng bị ướt, lạnh. Hơn 10 năm trong nghề, tôi chưa từng chứng kiến trận mưa nào khủng khiếp như hôm 20/10 này. Mưa trắng trời, cả thành phố ngập. Riêng đoạn ngã ba Hoàng Hoa Thám - Xô Viết Nghệ Tĩnh ngập 7-8 tiếng, làm mọi cách rồi mà nước vẫn không rút kịp”, anh Hưng kể.
Công nhân thoát nước hỗ trợ người dân đẩy xe bị chết máy trên đường Trương Công Định. |
Trực 100% quân số
Khi mưa đã thưa hạt, anh Lê Sáng cùng đồng nghiệp nhanh chóng đến hẻm 105 Lê Lợi (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) làm nhiệm vụ thoát nước cho tuyến hẻm đang ngập sâu. Nước ngập qua đầu gối, các anh nhanh chóng đặt máy bơm, bơm nước đổ ra ngoài. Nước gần cạn thì trận mưa lớn khác lại ập đến khiến tuyến hẻm lại mênh mông nước. 12 giờ trưa, công nhân vẫn chưa được nghỉ ngơi, dù bụng đói, người run lên vì lạnh.
Trong khi đó, tại các cống thoát nước gần biển, mưa lớn khiến đất, đá, lá cây cùng các loại rác theo dòng chảy lấp đầy miệng cống, nước ứ đọng lênh láng. Các công nhân tay xẻng, tay cào xúc từng vốc đất lẫn rác lớn, bỏ lên giỏ. Gạt nước mưa chảy dài trên mặt, anh Đình Đô, một công nhân thoát nước cho hay: “Trước mùa mưa, các tổ đều đã nạo vét sạch bùn, khơi thông dòng chảy, làm sạch hố thu để nước mưa có thể thoát nhanh nhất. Tuy nhiên, chỉ sau 2-3 ngày, các hố này đầy rác trở lại”.
Giờ làm việc hành chính của mỗi công nhân thoát nước là từ 7 giờ đến 17 giờ. Tuy nhiên, vào mùa mưa đa phần họ đều làm việc liên tục, không kể ngày đêm, không kể ngày thường hay ngày nghỉ. Nghề thoát nước là một nghề lao động nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm và độc hại do thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các chất thải, nước thải. Trong điều kiện thời tiết bình thường, công nhân thoát nước đã phải rất nỗ lực và vất vả, còn khi mưa lớn thì những khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn nhân lên nhiều lần.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước Vũng Tàu (thuộc Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam Busadco), những ngày trời mưa lớn và liên tục, ngoài lực lượng ứng trực tại các “điểm nóng”, xí nghiệp phải huy động 50-60 công nhân đi vớt rác, vớt bèo ở các kênh, mương, hồ điều hòa, các hố thu... “Mấy hôm nay công nhân thoát nước không có lúc nào ngơi tay. Anh em ngâm mình dưới nước cả ngày lẫn đêm”, ông Ánh chia sẻ.
Ông Ánh cho biết thêm, xí nghiệp có 60 công nhân chính thức. Mùa mưa, gần như tất cả phải ứng trực 100%, không ai được nghỉ phép vào thời điểm này, trừ trường hợp đặc biệt. Trước mùa mưa bão, anh em công nhân làm việc hết công suất để khơi thông, điều tiết các hồ bơm, các trạm bơm chống ngập, chuẩn bị phương tiện để hỗ trợ các địa phương xử lý ngập cục bộ.
“Công nhân thoát nước như những “cọc tiêu” dù ứng dụng công nghệ thông tin đến đâu thì con người vẫn là số 1, bởi nếu không ứng trực ở đó sẽ không xử lý được tình huống. Kể cả có máy móc hiện đại thì vẫn cần có người công nhân đồng hành”, ông Ánh nhấn mạnh.
Nguồn: Dầm mình trong mưa khơi thông dòng chảy