Bà Rịa-Vũng Tàu: Để không có trẻ bị bỏ lại phía sau
Nhờ được Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang (TX.Phú Mỹ) cưu mang, em Hồ Văn Nam đã có gia đình mới. |
Tổ ấm của trẻ bị bỏ rơi
Sau giờ tan trường, Hồ Văn Nam (SN 2007, lớp 8A2 Trường THCS Hùng Vương, TX.Phú Mỹ) trở về Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang (TX.Phú Mỹ) phụ giúp các cô nhân viên trông em hoặc dọn dẹp vệ sinh. Buổi chiều hoặc tối, Nam lại kèm các em nhỏ hơn học bài. Công việc nào Nam làm đều vừa ý các nhân viên ở đây.
Nam chia sẻ: “Em được người thân gửi vào Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang khi mới 1 tuổi. Từ đó đến nay, em chưa được ai đến thăm. Nhiều khi em cũng tò mò muốn biết cha mẹ mình là ai”.
15 năm qua, Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang đã trở thành ngôi nhà chứa đầy yêu thương và bao bọc, che chở cho Nam. Ở đây, em được chăm sóc từ bữa cơm, giấc ngủ, đến chuyện học hành. Đặc biệt, sư thầy Thích Thiện Thông, Giám đốc Trung tâm quan tâm, chỉ dạy cho em điều hay lẽ phải và định hướng tương lai.
“Nơi đây không chỉ đủ cơm ăn, áo mặc, chỗ ngủ thoải mái, em còn được làm giấy khai sinh, được đến trường, được khám sức khỏe thường xuyên. Đó là những điều may mắn của em rồi. Em sẽ cố gắng học tập, lớn lên trở thành người tốt”, Nam nói.
Cũng giống như Nam, nhiều trẻ em khác bị cha mẹ bở rơi khi mới lọt lòng đã được Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang cưu mang. Trung tâm luôn cố gắng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục các em trong điều kiện tốt nhất có thể để bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi không may xảy ra với trẻ.
Đại đức Thích Thiện Thông, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang cho biết, Trung tâm đang nuôi dưỡng 72 trẻ, trong đó có 51 trẻ bị bỏ rơi và 21 trẻ được người thân gửi đến. Tất cả các trẻ đều được làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, được cấp mã định danh, thẻ BHYT và trợ cấp xã hội theo đúng quy định. Những trẻ do người thân gửi đến được đăng ký tạm trú. Trung tâm có khu nuôi trẻ, với 7 phòng, mỗi phòng có ti vi, quạt điện, máy lạnh, tủ lạnh, giường tầng, nhà vệ sinh.
Trung tâm còn có phòng thư viện để các em đọc sách, báo; phòng y tế dự trù các loại thuốc thông thường; có khu vui chơi ngoài trời dành cho trẻ. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên mời các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) về khám sức khỏe và lập sổ theo dõi tình trạng sức khỏe.
Các thành viên của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đến thăm Trung tâm Nhân đạo Hồng Quang (TX.Phú Mỹ). |
Nhiều chính sách dành cho trẻ mồ côi
Em Tòng Thị Ái Vy (SN 2019), ấp Nhân Trí, xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) mồ côi mẹ khi mới 6 tháng tuổi, cha của em cũng bỏ đi. Vy được bà ngoại đón về chăm sóc. Biết hoàn cảnh khó khăn của 2 bà cháu, Hội LHPN xã Xuyên Mộc đã vận động chị Trần Thị Ngọc Trinh, ở cùng xã làm “Mẹ đỡ đầu” cho Vy từ năm 2022. Mỗi tháng Vy được chị Trinh hỗ trợ 500 ngàn đồng. “Từ khi có “mẹ đỡ đầu”, gia đình bớt khó khăn hơn về kinh tế. Cháu tôi thường xuyên được “mẹ” đến chơi và quan tâm nên cháu có thêm tình yêu thương, cháu vui vẻ hơn”, bà ngoại bé cho hay.
Ái Vy là một trong số hàng trăm trẻ em mồ côi được Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh kết nối, vận động các mạnh thường quân làm “mẹ đỡ đầu”. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn rất lớn khi đã có sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân vào công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Không những nhận được những món quà về vật chất, các “mẹ” còn dành nhiều tình cảm yêu thương, sự quan tâm, hỗ trợ các con trong học tập và cuộc sống. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 450 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu, với mức hỗ trợ tối thiểu 500 ngàn đồng/tháng/em, tặng sổ tiết kiệm từ 6-15 triệu đồng/năm, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày, đồ dùng học tập… với tổng trị giá hơn 1,83 tỷ đồng.
Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm: “Các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã trao hơn 15.990 suất học bổng Nguyễn Thị Định, học bổng Võ Thị Sáu, trị giá hơn 8,5 tỷ đồng cho trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các em mồ côi; cùng nhiều chương trình tặng quà, tặng dụng cụ, thiết bị học tập… Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của tổ chức hội, từ đó giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐTBXH thông tin thêm, bên cạnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định của Nhà nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các chính sách đặc thù liên quan đến trẻ em. Điển hình như: Nghị quyết hỗ trợ học phí trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi, học sinh THPT công lập và ngoài công lập, học viên học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Nghị quyết nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn 1,25 lần chuẩn quy định của Chính phủ, trẻ em mồ côi, trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ nghèo được hưởng thêm hệ số trợ cấp 1,0 so với hệ số Chính phủ quy định; Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và ngoài công lập; Nghị quyết hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở nơi có khu công nghiệp…
Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, Sở LĐTBXH còn tặng quà cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gồm cả trẻ mồ côi. Chỉ tính từ năm 2018-2022, Sở đã tặng gần 15.600 suất quà, với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng; gần 2.500 suất học bổng, trị giá hơn 2,7 tỷ đồng. Đối tượng này còn được tạo điều kiện, tham gia vui chơi, giải trí trong các hoạt động hè, tháng hành động vì trẻ em, diễn đàn trẻ em nói được tổ chức hàng năm.
Toàn tỉnh có 320 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 2.263 trẻ mồ cô cha hoặc mẹ. Từ năm 2018-2022, nguồn ngân sách từ cấp tỉnh đến xã đã bố trí hơn 1.083 tỷ đồng và vận động hơn 23,9 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. |
Nguồn: Để không có trẻ bị bỏ lại phía sau