Bà Rịa - Vũng Tàu: Gỡ vướng để tiếp tục phát triển mô hình đua chó giải trí
Tính đến tháng 12/2022, dự án thuê mặt bằng để tổ chức đua chó giải trí đã đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 45,3 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động. Trong ảnh: Du khách đến sân vận động Lam Sơn theo dõi trực tiếp các cuộc đua chó. |
Đóng góp ngân sách tỉnh khoảng 45,3 tỷ đồng
Loại hình đua chó giải trí được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 1998 cho Công ty TNHH Dịch vụ Thể thao Thi đấu Giải trí (gồm liên doanh giữa Hemlock Services Corporation, có địa chỉ tại quần đảo Virgin - Anh quốc và Công ty Du lịch tỉnh). Thời hạn hoạt động dự án 25 năm, tính từ ngày 9/3/1998, vốn đầu tư 4,95 triệu USD. Dự án thuê mặt bằng hơn 2ha sân vận động Lam Sơn (15 Lê Lợi, phường 1, TP.Vũng Tàu) để tổ chức đua chó và 7,9ha tại phường Long Toàn, TP.Bà Rịa làm nơi huấn luyện chó đua.
Dự án được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng; kể từ năm thứ 21 mới nộp tiền thuê đất hàng năm 0,75 USD/m2/năm cho khu đất tại TP.Bà Rịa; kinh doanh có lãi mới phải nộp thuế… Đến nay, trải qua 3 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty thay đổi sang loại hình cổ phần.
Tháng 5/2000, dự án hoàn thành và hoạt động thí điểm đua chó có thưởng, trở thành sản phẩm giải trí mới lạ, hấp dẫn, độc đáo và duy nhất có tại Việt Nam. Trong báo cáo tình hình hoạt động, chủ đầu tư cho biết, trong 23 năm hoạt động, công ty đã tổ chức hơn 3.500 kỳ đua, tương đương 43.000 trận đua, tiếp đón hơn 3,5 triệu lượt người vào xem. “80% là du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Khách xem hứng thú với những màn rượt đuổi đầy kịch tính của các chú chó. Khách xem đua chó còn mua vé đặt cược để chọn những chú chó yêu thích…”, báo cáo cho biết.
Nội dung báo cáo cũng thể hiện, tính đến tháng 12/2022, công ty đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 45,3 tỷ đồng. Giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động. Tuy nhiên, công ty bị lỗ đến 205 tỷ đồng.
Dù lỗ “khủng” nhưng công ty vẫn xin gia hạn giấy phép thêm 25 năm nữa. Đại diện chủ đầu tư chia sẻ, theo Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, sau một năm kinh doanh đặt cược trong trường đua, công ty sẽ được phép phân phối máy và bán vé đặt cược trên toàn quốc thông qua các điểm bán vé ngoài trường đua và tin nhắn SMS. Việc phát triển thêm 2 loại hình bán vé trên, dự kiến công ty sẽ đóng ít nhất 100 tỷ đồng thuế cho ngân sách tỉnh và con số này sẽ tăng lên 30 lần sau 10 năm.
“Như vậy, việc chúng tôi xin gia hạn đầu tư không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh và còn thể hiện quyết tâm theo đuổi phát triển trở thành sân chơi đặc trưng đạt tiêu chuẩn quốc tế cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Việt Nam”, đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với DN du lịch, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin, trong quy hoạch tỉnh tại khu đất sân vận động Lam Sơn không quy hoạch trường đua chó. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp mời nhà đầu tư làm việc nghe tâm tư, nguyện vọng, thông báo chủ trương của tỉnh, đồng thời kết hợp giới thiệu những vị trí có thể đầu tư loại hình dịch vụ trên. Nhà đầu tư tham gia phải tuân thủ quy định, quy trình thủ tục đấu giá đất theo quy định. |
Dành mặt bằng phục vụ huấn luyện
Thời điểm cấp phép đầu tư năm 1998, sân vận động Lam Sơn do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT thuộc Sở VH-TT-DL quản lý. Theo hợp đồng liên kết cho thuê và sử dụng mặt bằng sân vận động Lam Sơn được ký kết giữa Trung tâm và công ty, mỗi năm tiền thuê mặt bằng là 200 triệu đồng (bình quân 18 triệu đồng/tháng). Như vậy, mức giá trên là quá thấp.
Bên cạnh đó, theo đại diện Sở VH-TT, dù tính chất là trung tâm thi đấu giải trí, nhưng các sự kiện quy mô lớn phục vụ cộng đồng, du khách của địa phương ít được chủ đầu tư tạo điều kiện phối hợp tổ chức, mà chủ yếu chỉ sáng đèn mở cửa vào các tối cuối tuần, lễ, tết cho hoạt động kinh doanh đua chó.
Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, trong phương án sắp xếp lại nhà đất của Sở VH-TT do UBND tỉnh phê quyệt, sân vận động Lam Sơn được tạm giữ lại để tiếp tục sử dụng cho mục đích đất TDTT. Tỉnh đang triển khai Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2021-2026 với 26 môn và hàng ngàn VĐV tập luyện. Thế nhưng trên thực tế cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể thao chuyên nghiệp cũng như phong trào của tỉnh không có.
Hiện các bộ môn thành tích cao đều phải tản mát tập luyện, tận dụng có thể là một góc nhà thi đấu đa năng tỉnh, khu tập luyện thể thao của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh… Sân vận động Lam Sơn hội đủ điều kiện về mặt bằng rỗng rãi, lại nằm trong trung tâm thành phố, không chỉ thuận tiện cho VĐV tập luyện mà còn tổ chức được những sự kiện văn hóa, chính trị lớn khi địa phương cần.
“Trong khi chờ đợi Trung tâm huấn luyện đào tạo vận động viên của tỉnh được xây dựng, Sở VH-TT kiến nghị tỉnh không tiếp tục gia hạn dự án Trung tâm dịch vụ thể thao thi đấu giải trí tại sân vận động Lam Sơn, dành mặt bằng để phục vụ mục đích huấn luyện”, ông Huỳnh Đức Dũng cho hay.
Trước đề nghị gia hạn hoạt động đua chó từ Công ty CP Dịch vụ Thể thao Thi đấu Giải trí, Sở Xây dựng đã đề xuất tham mưu UBND tỉnh 3 vị trí để nghiên cứu dời trường đua chó đến, gồm: khu đất 7,9ha trại nuôi chó hiện hữu công ty đang sử dụng tại phường Long Toàn, TP.Bà Rịa. Vị trí thứ hai tại khu vực công viên Hồ Mặt Trời (tổng diện tích 8,69ha, đường Cầu Cháy, thuộc các phường 11 và 12, TP.Vũng Tàu), vì có quy hoạch sân vận động 10.000 chỗ kết nối khu liên hiệp thể thao tại đây, lại nằm tiếp giáp trục đường cửa ngõ ra vào TP.Vũng Tàu - 51B và 51C thuận tiện cho người dân và thu hút khách du lịch. Vị trí thứ ba là khu đất gần 4,2ha tại góc đường Hoàng Hoa Thám-Thùy Vân.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, sau 22 năm chịu thua lỗ, năm 2020, công ty được Bộ Tài chính cấp phép bán vé đặt cược trong khuôn viên trường đua. Đến năm 2021, mới được kinh doanh đặt cược trên phạm vi toàn quốc qua tin nhắn SMS và điểm bán vé ngoài trường đua. Việc phải dừng hoạt động làm lỡ kế hoạch đầu tư. Khi phải dời địa điểm đồng nghĩa với phải lập lại quy trình thủ tục đầu tư, xin giấy chứng nhận đầu tư và nhiều công đoạn tiêu tốn thời gian, tiền của, tâm sức…
“Với những vị trí đất được tỉnh giới thiệu, chúng tôi đã nghiên cứu và đã có định hướng. Chúng tôi vẫn muốn tiếp tục phát triển kinh doanh loại hình đua chó tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng mong các sở, ngành của tỉnh cùng thiện chí lắng nghe, đồng hành theo hướng cùng phối hợp tháo gỡ”, đại diện chủ đầu tư nói.
Theo thông báo gửi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, trong vòng 60 ngày tính từ ngày 9/3, Công ty CP Dịch vụ Thể thao Thi đấu Giải trí sẽ di dời, trả toàn bộ mặt bằng sân vận động Lam Sơn, khán đài, văn phòng làm việc, khu vip, nhà nhốt chó đua. Chỉ di dời những thiết bị được lắp đặt để phục vụ hoạt động đua chó giải trí như: hệ thống đặt cược, chiếu sáng đường đua, camera, âm thanh, thiết bị văn phòng… “Còn 400 con chó đang nuôi tại Trung tâm huấn luyện phường Long Toàn, TP.Bà Rịa, chúng tôi đang đẩy nhanh xây dựng trường đua tại Lâm Đồng để di chuyển đến trong thời gian chờ thanh lý hợp đồng”, đại diện chủ đầu tư cho biết thêm. |
Nguồn: Gỡ vướng để tiếp tục phát triển mô hình đua chó giải trí