Bà Rịa - Vũng Tàu: "Tiếp sức" cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 60 dự án nhà ở thương mại đang triển khai đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trong 2 năm (2021 - 2022) chỉ có 2.000 căn thuộc 8 dự án được đưa ra thị trường. Số còn lại mặc dù đã có chủ trương đầu tư nhưng quá trình tiến hành các thủ tục gặp khó khăn vướng mắc về chính sách đất đai như gia hạn thời gian sử dụng đất, xử lý đất công trong dự án, tính tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư xây dựng…
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 26/3/2023, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3165/UBND-VP, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý các dự án bất động sản trên địa bàn; đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Góc nhìn từ tượng chúa Kito hướng ra bãi sau. (Nguồn: Orange Media) |
Đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3606/UBND-VP, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lập danh mục dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn. Đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai phải làm rõ nguyên nhân. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đẩy nhanh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng, giao đất, cho thuê đất làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người dân, nhà ở cho người thu nhập thấp, tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Sở Xây dựng cũng chủ động rà soát vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản của doanh nghiệp để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương. Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường, giá cả bất động sản hợp lý hơn.
Nổi tiếng là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, với những ưu thế về vị trí địa lý, có cảng biển, đa dạng các điểm tham quan, nhiều lễ hội đặc sắc, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp…, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với quy mô hiện có của Bà Rịa - Vũng Tàu. Để giải quyết vấn đề này, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, quyết tâm đưa du lịch trở thành một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đưa thương hiệu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đến gần hơn với nhóm khách có mức chi tiêu cao, khách du lịch nước ngoài, tỉnh đang tập trung nhiều biện pháp để phát triển du lịch chất lượng cao, quyết tâm đưa địa phương trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu resort nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế như: The Grand Ho Tram Strip; Holiday Inn Resort Ho Tram Beach; Melia Ho Tram Beach Resort; Marina Bay Vung Tau Resort & Spa; Intercontinental Grand Ho Tram; Khách sạn Imperial Vũng Tàu…
Với quyết tâm cao và chính sách cởi mở, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào các hạng mục du lịch cao cấp. Các dự án được phân bổ chủ yếu trên tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Điền - Đất Đỏ - Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 132 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD. Theo thông tin từ Sở Du lịch, từ nay đến năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chú trọng phát triển 7 loại hình du lịch chủ yếu: Du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp du lịch hội nghị, hội thảo gắn với các khách sạn, resort cao cấp; du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Côn Đảo, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các di tích lịch sử đã được xếp hạng; du lịch gắn với các hoạt động thể dục thể thao; du lịch gắn với hoạt động vui chơi giải trí; du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng.
Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch chất lượng cao |
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo không gian vùng. Tỉnh phát triển du lịch tập trung tại khu vực ven biển phía Đông Nam và huyện Côn Đảo; phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải, Hồ Tràm - Bình Châu hình thành chuỗi sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao, văn hóa, sinh thái, y tế phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu theo hướng đô thị xanh; chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong vùng Đông Nam Bộ. Phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Những định hướng phát triển trên tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong năm 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế, xã hội theo mục tiêu đã đề ra.
“Thời gian qua, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp. Tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch cấp huyện làm cơ sở cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai hoạt động. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chủ động, quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành triển khai các công trình, dự án trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng như dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4…”, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho hay.
Chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp đổi mới để cải cách hành chính là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
The Grand Hồ Tràm |
Giữa tháng 5/2023, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ làm Tổ trưởng để tiếp nhận và xử lý kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hàng tuần, tổ công tác làm việc để mổ xẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp. Tỉnh cũng tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40 - 50% thời gian giải quyết so với quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương còn nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tài chính. Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến cuối tháng 9/2023, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm ước đạt 2.540 tỷ đồng cho 65 doanh nghiệp.
Nhờ những giải pháp cụ thể, quyết liệt, trong năm 2023, tổng vốn đầu tư thu hút mới và tăng thêm của các dự án đầu tư trong và ngoài nước, sau quy đổi đạt khoảng 61.628,5 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD).
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn các hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình theo hướng tăng chuyển đổi số, kinh tế xanh; nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường; quan tâm đến việc tái cấu trúc lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; trong đó có một số ngành đạt kết quả nổi bật. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí tăng dần qua từng quý, ước cả năm tăng 5,75%, đạt 8.091 USD/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 9,47%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,77%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 72,09%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,25%, lâm nghiệp tăng 1,06%, ngư nghiệp tăng 3,89%... Nhìn chung, dù tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu, nhưng vẫn cao hơn so với tăng trưởng chung của cả nước (ước đạt khoảng 5%).
Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước thu hút mới và tăng thêm trong năm 2023 đạt khoảng 61.628,5 tỷ đồng, tương đương 2,52 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ và đạt 148,6% kế hoạch năm 2023.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng của tỉnh trong năm 2023. Tính đến hết năm, giá trị giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh ước hơn 16.018 tỷ đồng, đạt 95,8%. Tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công các dự án trọng điểm như: dự án Cầu Phước An; dự án Thành phần 3 - Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Nguồn: Bà Rịa - Vũng Tàu: "Tiếp sức" cho doanh nghiệp