Bạc Liêu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Bình Thuận thúc đẩy sản xuất thanh long bền vững Quảng Trị chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu |
Bạc Liêu là một trong những địa phương tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu nhất là xâm nhập mặn và nước biển dâng. Trong khi đó, thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh vẫn là sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, một trong những giải pháp để Bạc Liêu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) chính là tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị, các điểm dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu tái định cư ven biển; cũng như phát triển các khu đô thị, đô thị ven biển, trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, di tích lịch sử - văn hóa.
Trong đó, địa phương này ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình xanh và phát triển cây xanh đô thị, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, phòng chống ngập do mưa lớn, triều cường, nước dâng do bão cùng các đô thị ven biển, đặc biệt là TP. Bạc Liêu. Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao và dễ bị tổn thương do BĐKH. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị các bộ, ngành Trung ương hoàn thành đường bộ cao tốc qua địa phận của tỉnh, hệ thống giao thông kết nối liên huyện, liên vùng. Hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu ứng phó với BĐKH, nhất là các công trình phòng chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập ở các đô thị, thị trấn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư và tăng cường cơ sở hạ tầng cấp nước và năng lực cung cấp nước sạch cho dân cư khu vực nông thôn, ven biển và những vùng chịu tác động của nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn. Phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, ưu tiên các đối tượng dễ bị tổn thương. Đầu tư phát triển công nghệ, trang thiết bị trong dự phòng và điều trị các bệnh gia tăng do BĐKH. Xây dựng và nhân rộng các mô hình của ngành Y tế và sức khỏe cộng đồng, nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng, thích ứng với BĐKH.
Địa phương này triển khai các giải pháp bảo vệ đê sông, đê biển trước tình trạng sạt lở gia tăng. |
Tỉnh cũng sẽ phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Tăng cường vai trò, năng lực và sự tham gia của phụ nữ, thanh thiếu niên trong hoạt động thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai. Đẩy mạnh các phong trào, hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức cho thanh thiếu niên về BĐKH và các giải pháp trong phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH gắn với các phong trào bảo vệ môi trường, phát triển cây xanh…
Giải pháp quan trọng khác trong chủ động ứng với BĐKH gắn với giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng chính là hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhất là đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu thực tiễn theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa. Đồng thời, đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt và đo gió trên cao, trạm thủy văn, hải văn khu vực ven biển; ưu tiên đối với mạng lưới trạm đo mưa tự động, trạm đo mặn, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra triều cường dâng cao, sạt lở đất, ngập lụt…
Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh đẩy mạnh triển khai là củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi, bảo đảm chủ động phòng chống bão và nước dâng theo mức thiết kế và an toàn trước tác động gia tăng do BĐKH. Ưu tiên bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ, đập, đê sông, đê biển. Xây dựng, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch, gắn kết với dịch vụ hậu cần, thông tin nghề cá.
Xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại những khu vực sạt lở diễn biến phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng công trình đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là đầu tư xây dựng đê biển Đông và các đoạn đê vùng cửa sông xung yếu. Kết hợp với các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Tăng cường năng lực phòng chống sạt lở đất, phòng chống bão; phòng chống tác hại của hạn hán, triều cường và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Trước tác động của biến đổi khí hậu nhất là việc gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, tỉnh Bạc Liêu sẽ quy hoạch, đầu tư, bố trí di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên chịu tác động của khí hậu cực đoan, thiên tai, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra nước dâng do bão, xói lở bờ sông, bờ biển hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất; những nơi chưa thể di dời được cần được theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt là xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp với sơ tán, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Thực hiện và cung cấp bảo hiểm rủi ro thiên tai cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong một số lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh…
Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong cao điểm mùa khô. Ảnh: CL. |
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023-2024, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau. Đồng thời, đề nghị các cấp ngành chuẩn bị kế hoạch ứng phó phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 theo kịch bản 2 với giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 gay gắt tương đương mùa khô 2015-2016.
Đối với sản xuất lúa vụ lúa trên đất tôm 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu mặn để đảm bảo năng suất lúa. Đồng thời nông dân cần gia cố bờ bao tích trữ nước ngọt, cùng với đó là theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước để giảm mặn trên ruộng. Đối với lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khi nhận thấy nguy cơ thiếu nước ngọt, nắng hạn kéo dài, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không sản xuất ở những khu vực không có hệ thống ô đê bào khép kín hoặc không chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ bơm tác. Dự kiến diện tích ở những khu vục này gần 3.000ha.
Ngành Nông nghiệp cũng đầu tư trên 21 tỷ đồng thực hiện duy tư, sửa chữa cống, trạm bơm, máy bơm; triển khai kế hoạch đắp 448 đập tạm để tổ chức bơm chuyền cấp và trữ nước ngọt cho lúa đông xuân phòng, chống hạn mặn. Cùng với ngành nông nghiệp, các địa phương cũng đầu tư hạ tầng, nhất là đầu tư xây dựng mới các cống, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi để bảo vệ sản xuất lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.
Trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu xác định nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu quan trọng là nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của cộng đồng. Mục tiêu quan trọng hàng đầu với kế hoạch hành động của tỉnh Bạc Liêu là nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng. Phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia. Các cơ sở sản xuất có phát thải khí nhà kính thực hiện xây dựng kế hoạch, lộ trình cải thiện công nghệ phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với BĐKH được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập úng ở các đô thị. 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 100% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; đối với khu vực chưa thể di dời được thì lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai...
Nhiệm vụ được tỉnh Bạc Liêu ưu tiên hàng đầu là bảo vệ và phục hồi tài nguyên nước. Tập trung bảo vệ, phục hồi, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; thực hiện dự án “Khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, nhằm xác định các khu vực cần bảo vệ, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác nước dưới đất; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Song song đó, cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tăng cường các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước; chú trọng các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động bất lợi của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp thống nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động và phòng, chống thiên tai do nước gây ra.
Giai đoạn tới, Bạc Liêu sẽ quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng hiện có, quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp; tập trung bảo vệ và hạn chế tối đa chuyển đổi rừng; đẩy mạnh phục hồi và nâng cao chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng ven biển; củng cố và kiện toàn hệ thống giám sát, đánh giá và ứng phó khẩn cấp với cháy rừng; tăng tỷ lệ cây xanh tại các đô thị.
Tỉnh cũng tính đến các giải pháp linh hoạt trong huyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Dựa vào lợi thế tự nhiên của từng vùng sinh thái thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững.
Nguồn:Bạc Liêu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu