Bạc Liêu: Nhiều nhà cửa, tuyến đường bị ảnh hưởng do khô hạn kéo dài
Nhiều nhà cửa, tuyến đường bị ảnh hưởng
Ghi nhận thực tế, ngày 26/4, tại ấp Bà Hiên, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, căn nhà chị Đỗ Thị Huyên bị nghiêng và sụt lún, hư hỏng hoàn toàn. Căn nhà này trị giá hàng trăm triệu đồng, là công sức tích góp hàng chục năm của chị, mới cất được hơn 01 năm thì sự cố ập đến.
Chị Huyên cho biết, khi xây dựng đã làm móng rất kỹ, đặc biệt là phía sau vì sợ sạt xuống kênh, không ngờ đất sụp phía trước. Sau sụp, căn nhà không thể sửa chữa, chị tốn gần hai chục triệu đồng để phá dỡ, lấy ngói, đòn tay để chuẩn bị làm nhà mới.
“Không hề có biểu hiện gì mà nó sụp dữ thần vậy. Chỉ trong tích tắc, bao nhiêu tiền dành dụm tan tành hết rồi. Giờ ráng làm để kiếm tiền cất nhà lại chứ biết sao bây giờ”, chị Huyên chia sẻ.
Cũng trên tuyến sông ở ấp Bà Hiên, nhiều căn nhà ngổn ngang sau sạt lở. Một số căn khác cũng bị sụp lún, nguy cơ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào khiến người dân lo lắng gom vật dụng vào góc nhà rồi qua căn khác ở tạm.
Đường nông thôn rộng 3,5 m trước nhà ông Nguyễn Văn Văn Việt, ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, mới làm chưa nghiệm thu phút chốc bị sạt xuống kênh. |
Sự việc cũng diễn ra tại ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, ngày 30/4, đường nông thôn rộng 3,5 m trước nhà ông Nguyễn Văn Văn Việt, ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A mới làm chưa nghiệm thu phút chốc bị sạt xuống kênh. Theo ông Việt: “Đoạn sạt lở dài hơn 200 m. Những ngày trước, tôi thấy có vết nứt nhỏ, ai ngờ nó bất ngờ rung lắc dữ dội, bê tông bị xé toạc, đường sạt trong tích tắc. Sống ở đây mấy chục năm mới chứng kiến cảnh này, thật kinh hoàng. Đường mới làm xong chưa kịp vui mừng, giờ hư hỏng hết rồi!”.
Ông Võ Văn Lễ, Bí thư Chi bộ ấp Ninh Tiến thông tin, tuyến đường bị hư hỏng nằm ven kênh, mới xây dựng chưa nghiệm thu đã bị sạt lở xé toạc nhiều đoạn. Đến nay, gần chục điểm sạt lở trên lộ, dưới kênh cạn trơ đáy, người dân gặp khó khăn vận chuyển lúa gạo, nông sản. Ấp đã vận động các hộ dân ở đây cho đi tạm đường đất để học sinh đi học. Mấy chục năm qua, chưa từng thấy hạn hán, sụp lở như thế nay. Chỉ tính riêng ấp này đã có 20 điểm sạt lở và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Căn nhà chị Đỗ Thị Huyên (ấp Bà Hiên, thị trấn Ngan Dừa) bị sụt lún, hư hỏng hoàn toàn. |
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo khẩn
Theo UBND huyện Hồng Dân, từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của hạn hán, mực nước trên các tuyến kênh rạch hạ thấp, làm cho một số tuyến đường trên địa bàn các xã Ninh Quới, Ninh Quới A, thị trấn Ngan Dừa bị sụt lún. Sự việc trên đã làm hư hỏng trên 1.000 m đường, thiệt hại 1 căn nhà; cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho hay, đối với những khu vực đã bị sụp lún, UBND huyện chỉ đạo địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện… Đặc biệt, vận động những hộ có điều kiện nên di dời các căn nhà ở khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở cao.
Trước tình hình trên, ngày 1/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký văn bản số 1557/UBND-KT chỉ đạo khẩn các giải pháp ứng phó tình huống sụt lún, sạt lở đang xảy ra theo chiều hướng nghiêm trọng hơn trên địa bàn do hạn hán.
Theo văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu huyện Hồng Dân, cơ quan liên quan tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sụt lún gây ra; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Hồng Dân và các cơ quan liên quan tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. |
Đối với những khu vực đã bị sụt lún, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu yêu cầu địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện… lưu thông thông suốt; lắp đặt biển cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các địa phương đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định; chỉ tổ chức canh tác khi có mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước đảm bảo.
Nguồn: Bạc Liêu: Nhiều nhà cửa, tuyến đường bị ảnh hưởng do khô hạn kéo dài