Bán lẻ ‘trị liệu’, tại sao không?
Khi người tiêu dùng thực sự cảm thấy mệt mỏi, lo lắng hơn khi mua sắm online do tình trạng gian dối, buôn bán hàng giả tràn lan, thì bán lẻ trực tiếp có thể là “liệu pháp” sức khỏe tâm lý tích cực giúp nhiều người cải thiện tâm trạng, hứng thú và sẵn sàng rút hầu bao chi tiêu.
Mua sắm trực tiếp được xem là liệu pháp bán lẻ tích cực. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng (Mỹ), những người mua sắm thường xuyên hơn có nguy cơ tử vong thấp hơn 25%. |
Khi mua sắm online khiến người tiêu dùng “mệt mỏi”
Internet phát triển, công nghệ và xu hướng số hóa tất yếu diễn ra nhanh chóng, đó cũng chính là cơ hội cho hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường mạng nhanh chóng hơn.
Đáng chú ý, sự ra đời và hoạt động tích cực của hàng loạt sàn giao dịch thương mại điện tử, như: Tiki, Shoppee, Lazada, Sendo… đã giúp cho sân chơi thương mại điện tử tại Việt Nam trở nên sôi động. Và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với mức tăng 35% mỗi năm. Thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam sôi nổi và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo khảo sát, có khoảng 44 triệu lượt người tham gia mua sắm trực tuyến, và mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với doanh thu khoảng 35 tỷ USD.
Theo báo cáo hoạt động thương mại điện tử năm 2022, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore.
Mảnh đất mua sắm online của Việt Nam thực sự màu mỡ và có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi của mua sắm online, không gian kinh tế thương mại số này cũng đặt ra nhiều thách thức không chỉ với cơ quan quản lý mà còn với chính người tiêu dùng.
Thực tế, mua sắm online thực sự đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, những phát sinh tiêu cực. Đáng chú ý, không ít đơn vị, tổ chức, cá nhân đã lợi dụng “sự tiện lợi” của bán hàng online để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng… cùng với nhiều chiêu trò tinh vi, hòng lừa dối người tiêu dùng và móc hầu bao của họ về làm lợi cho mình. Về cơ bản, do mua sắm hàng hóa trực tuyến người tiêu dùng không thể trực tiếp thử, kiểm tra nguồn gốc và nhận biết chất lượng sản phẩm… dẫn đến nhiều đơn hàng không được như kỳ vọng.
Bản thân người viết cũng đã nhiều lần gặp phải tình trạng như thế này. Có lần tôi mua phải thực phẩm hỏng, ôi và phải bỏ đi. Cũng có lần, mua hoa quả bị cân thiếu, phản hồi lại người bán thì họ quanh co, đùn đẩy trách nhiệm. Hoặc lúc mua quần áo, muốn đổi lại size vì không vừa, đã thanh toán xong cho shiper. Phía shop nói cứ gửi lại rồi đổi size cho, nhưng đợi mãi chẳng thấy shop gửi hàng, thậm chí là chặn số của khách hàng luôn…
Đã có rất nhiều câu chuyện như vậy đang diễn ra, và trên thực tế việc bán hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến cho câu chuyện mua sắm online của nhiều người tiêu dùng thực sự là một áp lực, bực tức và ức chế.
Chị Trần Nhung - Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ: “Trước đây khi các sàn thương mại điện tử nở rộ, tôi cũng đã có nhiều trải nghiệm và thích thú mua sắm vì nó quá tiện lợi, không mất công sức và thời gian. Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp phải không ít lần cảm thấy ức chế, bực tức vì thấy mình như bị lừa. Thú thực, đã nhiều lần tôi tự gỡ cài đặt facebook và các trang mà tôi hay mua hàng để tự kiểm soát chính hành vi mua bán của mình".
Mua sắm có thể là liệu pháp bán lẻ "trị liệu" tích cực
Một thực tế phải thừa nhận rằng, bán lẻ truyền thống đang tỏ ra "đuối sức" trước cuộc đua với bán lẻ trực tuyến. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận được những mặt được của loại hình mua sắm vốn gắn bó ngàn đời với mỗi người dân Việt.
Ngày nay, bán lẻ trực tiếp thay đổi, nhất là khi bối cảnh điều kiện kinh tế và mức hưởng thụ cuộc sống của người tiêu dùng tăng lên, việc bán lẻ trực tiếp sẽ nhắm tới bán lẻ có nhiều trải nghiệm tích cực hơn, chẳng hạn như tạo không gian cho việc mua sắm kết hợp giải trí, hay mua sắm kết hợp với trị liệu sức khỏe… là hoàn toàn có thể.
Đáng chú ý hơn, theo các chuyên gia, bản thân việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng chính là một “liệu pháp” sức khỏe. Đó là quá trình mua sắm giúp người tiêu dùng giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng hoặc thỏa mãn nhu cầu mua sắm vốn không được bảo đảm trong mua sắm trực tuyến.
Thực tế, trong một cuộc khảo sát được công bố mới đây của tập đoàn bất động sản bán lẻ Vicinity Centres (Úc), cho thấy đa phần người tiêu dùng Úc thích mua sắm tại cửa hàng thực tế hơn so với mua sắm online. Họ cho rằng thực sự cảm thấy mệt mỏi hơn khi mua sắm online.
Theo kết quả của khảo sát này, người tiêu dùng Úc muốn mua sắm tại cửa hàng vì lợi ích sức khỏe tâm thần của họ, đồng thời họ cũng muốn có được những trải nghiệm thực tế tích cực hơn khi được thả bộ trong không gian mua sắm.
Bên cạnh việc mua một món đồ, đi dạo xung quanh, các hoạt động ăn uống, tận hưởng trải nghiệm, và giao lưu với đồng nghiệp… đều là những yếu tố hàng đầu xác định một buổi trị liệu bán lẻ “thành công” cho một ngày đi chơi và mua sắm của họ.
Theo các chuyên gia, một người có thể tiếp tục tham gia vào thói quen mua sắm trực tiếp vì nó có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm, giúp người mua sắm giảm đi những cảm giác như lo lắng, stress... Ngoài ra, mua sắm trực tiếp cũng có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, chẳng hạn như một bộ quần áo mới, một chuyến đi chơi vui vẻ hoặc món ăn mà người tiêu dùng cảm thấy thích thú.
Nguồn: Bán lẻ ‘trị liệu’, tại sao không?