Bản tin năng lượng xanh: Chưa thể sớm thay thế hydrocarbon và than bằng các nguồn năng lượng tái tạo
Những nhận định, kêu gọi cần nhanh chóng cắt giảm đầu tư vào năng lượng hóa thạch truyền thống, chuyển hướng đầu tư sang NLTT đến nay đã không còn mang tính thời sự. Hiện những nguồn NLTT chính (điện gió, điện mặt trời) còn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thiên nhiên, chưa đủ tin cậy hoàn toàn. Còn theo nhận định của công ty tư vấn năng lượng Crystol Energy, tiêu thụ hydrocarbon thế giới sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2042, sau đó giảm dần dần, không đột ngột như BP dự báo. Đáng chú ý, tiêu thụ dầu khí trong 20 tới dự báo sẽ tăng chủ yếu tại các quốc gia đang phát triển nằm ngoài khối OECD, chiếm 54% tổng nhu cầu thế giới. Thực tế cho thấy, vai trò dầu khí, than đá sau đại dịch Covid-19 và sự kiện Ukraine ngày càng tăng, và chưa thể sớm được thay thế bằng các nguồn NLTT.
Tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) mới đây đã thành lập công ty Gentari, tập trung vào phát triển lĩnh vực NLTT, hydro và các giải pháp “xanh” trong lĩnh vực giao thông vận tải trên toàn thế giới. Mục tiêu của Gentari là xây dựng từ 30 - 40 GW công suất NLTT, chủ yếu là năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi và hệ thống lưu trữ năng lượng. Công ty cũng lên kế hoạch cung cấp ra thị trường tới 1,2 triệu tấn hydro sạch mỗi năm. Gentari cũng hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp di chuyển “xanh” hàng đầu bằng cách hỗ trợ hệ sinh thái xe điện với khoảng 25.000 điểm sạc tại các thị trường chính ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Công ty sẽ cung cấp các giải pháp năng lượng sạch hơn nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và thúc đẩy khách hàng giảm lượng khí thải carbon.
Công ty tư vấn RTS mới đây đã công bố dự báo phát triển năng lượng mặt trời ở Nhật Bản. Trong kịch bản cơ sở (BAU scenario) của dự báo, Nhật Bản dự kiến sẽ lắp đặt 111 GW công suất năng lượng mặt trời đến năm 2025 và tăng lên 154 GW vào năm 2030. Theo kịch bản phát triển tăng tốc (Accelerated scenario), con số này sẽ đạt 115 GW vào năm 2025 và tăng lên 180 GW vào năm 2030. Kịch bản cơ sở giả định rằng, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục chính sách năng lượng hiện tại, giảm chi phí sản xuất điện mặt trời và không có cú sốc hoặc áp lực từ bên ngoài. Trong khi đó, kịch bản tăng tốc cần có môi trường chính sách thuận lợi hơn, giảm giá thành sản phẩm quang điện và xuất hiện các phân khúc thị thường mới.
Theo đánh giá của RTS, tăng trưởng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Nhật Bản có thể vượt 8 GW mỗi năm vào năm 2025 và 9 GW vào năm 2030. Sự phát triển lĩnh vực điện mặt trời ở Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường như giá mô-đun mặt trời tăng do thiếu nguyên liệu thô, gián đoạn nguồn cung biến tần do thiếu chất bán dẫn và các vấn đề liên quan đến sản xuất polysilicon ở Trung Quốc. Hiện tại, Nhật Bản đứng thứ 3 thế giới về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời, sau Trung Quốc và Mỹ. Nước này có kế hoạch giảm 43% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Vào tháng 10/2021, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch tăng tỷ trọng các nguồn NLTT trong cơ cấu sản xuất điện lên 36 - 38% vào năm 2030.
Nguồn: Bản tin năng lượng xanh: chưa thể sớm thay thế hydrocarbon và than bằng các nguồn năng lượng tái tạo