Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia
Nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam Bảo đảm an ninh nguồn nước trong phát triển kinh tế-xã hội |
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Ảnh minh hoạ |
Do đó, một số chuyên gia cho rằng, phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.
Trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai…
Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.
Thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế-xã hội của khu vực, lưu vực sông.
Nguồn:Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia