Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong khu công nghiệp
Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây, tại một số địa phương ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các khu công nghiệp. Sự việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các công nhân tham gia sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp. Do vậy, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các đơn vị có bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp (bao gồm cả các bếp ăn do các nhà máy, xí nghiệp tự tổ chức và các bếp ăn được các nhà máy, xí nghiệp hợp đồng với các đơn vị khác cung cấp).
Cung cấp danh sách các cơ sở trên định kỳ hằng quý cho Sở Y tế (đầu mối là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Sở Y tế yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp có bếp ăn tập thể tăng cường đầu tư nâng cấp khu vực bếp và khu vực ăn uống. Qua đó, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nấu nướng, chế biến theo quy định.
Các nhà máy, xí nghiệp cần thường xuyên giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể như: Tăng cường vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, giữ khu vực bếp sạch sẽ, khô ráo; bố trí, sắp xếp khu vực sơ chế tách biệt với khu vực bếp. Bên cạnh đó, các nhà máy, xí nghiệp cũng cần tách biệt các trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm sống với thực phẩm chín, thực phẩm sạch với thực phẩm chưa sạch.
Chỉ sử dụng người trực tiếp chế biến, phục vụ, tiếp xúc với thực phẩm đã được xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không mắc các bệnh truyền nhiễm và bảo đảm sức khỏe theo quy định. Chỉ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đúng quy định, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo cảm quan,...
(Ảnh minh họa). |
Nguồn nước dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm phải đảm bảo chất lượng (đối với các nguồn nước khác ngoài nguồn nước máy do nhà máy nước cung cấp phải được xét nghiệm đạt theo QCĐP 01:2023/LĐ trước khi đưa vào sử dụng). Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng quan tâm phối hợp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng...
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm được tỉnh chú trọng triển khai. Tại Lâm Đồng trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 212 người mắc, không có người tử vong. Toàn tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 11.645 cơ sở, phát hiện 1.171 cơ sở vi phạm, xử phạt 303 cơ sở hơn 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh (Cảnh sát kinh tế) kiểm tra xử lý 83 vụ việc vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 78 cá nhân, 5 tổ chức với tổng số tiền gần 562 triệu đồng, tiến hành tiêu hủy 3.988 kg hàng hóa là thực phẩm. Cục Quản lý thị trường kiểm tra 367 vụ, phát hiện 311 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng và buộc tiêu hủy 403 kg thực phẩm đông lạnh. Tổng số tiền xử phạt hơn 3,7 tỷ đồng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm. Ngành Y tế đã thành lập 220 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, hậu kiểm 7.912 cơ sở, phát hiện số cơ sở vi phạm là 653 cơ sở, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 86 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 285 triệu đồng.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ 15/4 đến 15/5), trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thành lập 161 đoàn kiểm tra từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã thanh tra, kiểm tra 3.580 cơ sở. Qua đó, phát hiện 302 cơ sở vi phạm, xử lý 78 cơ sở với số tiền phạt 304 triệu đồng.
Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của những người làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm , người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm theo quy định. Nhiệm vụ trong thời gian tới tiếp tục đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, với mục tiêu hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm không để xảy ra trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành UBND các huyện, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt, xác định an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân.
Nguồn: Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong khu công nghiệp