Bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên
Ninh Bình là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, phân thành 5 hệ đặc trưng mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học, tập trung tại các khu vực đã được bảo tồn, bảo vệ như: Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và khu rừng Văn hóa-lịch sử Hoa Lư. Các hệ sinh thái đều mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học.
Trong đó, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có đai cao từ 200-300m ở Ninh Bình chiếm diện tích không nhiều, tập trung chủ yếu vùng núi các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn, Tam Điệp...phần lớn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư với diện tích khoảng 2.859,4ha. Trong hệ sinh thái độc đáo và quý giá này chứa đựng nhiều nguồn gen đặc hữu và quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế. Rừng nguyên sinh không còn nhiều, chủ yếu phân bố trên những sườn dốc, đỉnh núi cao, hiểm trở xa khu dân cư.
Hệ sinh thái rừng trên núi đất có đai cao trên 200m, tại khu vực này ghi nhận các quần xã chính như sau: Các quần xã rừng kín thường xanh cây lá rộng đã trở thành hệ sinh thái đặc trưng cho vùng núi Tây Nam tỉnh Ninh Bình, kéo dài từ Nho Quan, Tam Điệp. Ngoài ra là hệ sinh thái nước ngọt; Hệ sinh thái ven biển và hệ sinh thái nông nghiệp.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tạo điều kiện để tỉnh Ninh Bình khai thác, phát huy giá trị tài nguyên trong phát triển kinh tế-xã hội. |
Theo báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia thời kỳ 2021 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có xác định Gia Viễn, Nho Quan nằm trong khu vực có tính đa dạng sinh học cao, khu vực này tổng số có 43 loài động vật có xương sống trên cạn có giá trị bảo tồn ở mức quốc gia và toàn cầu. Trong đó: có 13 loài thú, 14 loài chim và 16 loài lưỡng cư, bò sát thuộc Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2022), Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ.Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2 khu vực bảo tồn đất ngập nước là: Khu dự trữ thiên nhiên đất ngập nước đầm Vân Long và khu vực đất ngập nước ven biển Kim Sơn (Thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Châu thổ sông Hồng trên địa bàn 03 tỉnh ven biển Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình).
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, tỉnh Ninh Bình xác định các nhiệm vụ cụ thể trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với Vườn Quốc gia Cúc Phương (phần diện tích thuộc tỉnh Ninh Bình) nằm trên địa bàn các xã Cúc Phương, một phần xã Kỳ Phú, Văn Phương, Yên Quang của huyện Nho Quan: Bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị về đa dạng sinh học và môi trường cảnh quan, đặc biệt là diện tích rừng nguyên sinh hiện có, phục hồi các hệ sinh thái rừng, tăng cường công tác bảo tồn ngoại vi, thông qua củng cố hệ thống vườn thực vật, khu cứu hộ và động vật hoang dã.
Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên với 2.317 loài thực vật, 660 loài động vật, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu, tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ phục hồi rừng thông qua khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; củng cố và duy trì vườn thực vật hiện có, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khu nuôi động vật bán hoang dã. Đầu tư phát triển du lịch sinh thái bền vững, trên cơ sở thu hút sự tham gia của cộng đồng, thành lập Ban quản lý bảo vệ rừng ở các xã dưới sự quản lý điều hành của VQG Cúc Phương và hỗ trợ phát triển dịch vụ văn hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long nằm trong địa phận 7 xã: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Tân, Gia Vân, Gia Lập, Gia Thanh huyện Gia Viễn bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh cảnh đặc hữu trên núi đá vôi, bảo tồn các loài thực vật, động vật quý hiếm, đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng, phục vụ nghiên cứu khoa học, ổn định và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư sống trong khu vực bảo tồn, khuyến kích tham gia các hoạt động bảo vệ, trồng rừng... góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo trật tự an ninh trong khu vực.
Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên với 722 loài thực vật, 364 loài động vật, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu, như Voọc mông trắng tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ phục hồi rừng thông qua khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản về hệ động, thực vật rừng, xây dựng các mô hình phục hồi rừng tự nhiên, gây trồng các loài cây bản địa và canh tác nông lâm bền vững.
Địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn đối với từng khu vực đa dạng sinh học trên địa bàn (Ảnh minh họa). |
Đối với Khu rừng Văn hóa, Lịch sử và Môi trường Hoa Lư tại các xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên, huyện Hoa Lư và xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình: Bảo tồn, di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh, khôi phục lại hệ sinh thái trên núi đá vôi, bảo tồn hệ sinh thái ngập nước, tôn tạo cảnh quan môi trường gắn với khu di tích lịch sử Cố Đô Hoa Lư và tham quan ở khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc, Bích Động.
Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên với 577 loài thực vật, 103 loài động vật, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm, tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ phục hồi rừng thông qua khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản về hệ động, thực vật rừng, xây dựng các mô hình phục hồi rừng tự nhiên, gây trồng các loài cây bản địa, …
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Châu thổ sông Hồng bao gồm các khu vực rừng ngập mặn Kim Sơn - Cồn Nổi thuộc các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, thị trấn Bình Minh, Cồn Thoi, Kim Mỹ, Kim Tân: Bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học (chức năng bảo tồn); tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu và giám sát, giáo dục và trao đổi thông tin giữa các địa phương, quốc gia và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững (chức năng hỗ trợ); kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nâng cao mức sống người dân và đây cũng chính là nhân tố cơ bản đảm bảo cho sự thành công của công tác bảo tồn. Cụ thể trên địa bàn huyện Kim Sơn, tập trung bảo tồn các loài chim nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ thống khu vực bãi triều và nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Đối với Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương đây là nơi cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong môi trường nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.
Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương Trung tâm có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú linh trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá chân xám…), sau đó thả về với tự nhiên; nghiên cứu về thú linh trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống…
Trong quá trình triển khai phương án bảo tồn đa dạng sinh học cần tuân thủ quy chế quản lý mục tiêu gắn kết, lồng ghép giữa mục tiêu bảo tồn phát triển sinh kế, trước hết là các hoạt động cho cộng đồng sống trong vùng đệm khu bảo tồn, hướng tới giảm thiểu áp lực lên tài nguyên thiên nhiên trong vũng lõi; giảm thiểu hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ, phát triển động, thực vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, đảm bảo cân bằng sinh thái, phục vụ mục đích du lịch, nghiên cứu, giáo dục, điều hòa khí hậu, ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ở trên, tỉnh Ninh Bình hướng đến mục tiêu năm 2030: Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau: diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý bảo vệ tốt mang tính bền vững, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao; 80% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định đạt 19,6% vào năm 2030. -
Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn.
Giá trị của đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái được đánh giá, duy trì và nâng cao thông qua việc sử dụng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học; giải pháp dựa vào thiên nhiên được triển khai, áp dụng trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiếp cận và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.
Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Nguồn:Bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên