Bảo vệ môi trường - nền tảng phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi tường: Đến năm 2025, Bắc Ninh phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và duy trì trong những năm tiếp theo; 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định; 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý; 100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị mới thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
Đồng thời giải quyết dứt điểm các tụ điểm, khu vực ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong khu dân cư và cộng đồng, đặc biệt ở các làng nghề, góp phần phát triển toàn diện, tổng thể, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 và tham mưu tỉnh xây dựng phương án bảo vệ môi trường đến năm 2030.
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngay sau khi Đề án được triển khai, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; phát động các phong trào làm sạch ruộng đồng, đường làng ngõ xóm; phong trào chống rác thải nhựa; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức tốt việc thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; triển khai hiệu quả mô hình phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng vi sinh bản địa IMO…
Đến nay, 3/4 khu xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng đã đi vào hoạt động và vận hành thử nghiệm, đưa Bắc Ninh trở thành địa phương tiên phong của cả nước thực hiện thành công xã hội hoá công nghệ đốt rác phát điện. Từ đó, giải quyết cơ bản lượng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng nhiều năm cũng như chất thải phát sinh mới trong toàn tỉnh, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Tỉnh Bắc Ninh hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải, giảm tình trạng chôn lấp rác trực tiếp, tiến tới đốt rác phát điện. |
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đang tập trung lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu vực đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, ổn định sản xuất. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến 3 Nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động và vận hành thử nghiệm, bảo đảm năng lực xử lý của các Nhà máy cũng như giải quyết triệt để bài toán xử lý chất thải hiện nay.
Đối với các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các KCN tỉnh. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường còn tồn tại và khó giải quyết nhất vẫn là khu vực CCN, làng nghề, mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như TP Bắc Ninh, huyện Yên Phong…đã tập trung xây dựng Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường như tại làng giấy Phong Khê, Bún Khắc Niệm (TP Bắc Ninh); làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong), nhằm thực hiện cải thiện môi trường các khu vực này theo đúng lộ trình của Đề án.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025 và tiếp tục lộ trình đến 2030, Sở TN&MT đang đốc thúc các địa phương tổng hợp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện, thị xã, thành phố được thu gom vận chuyển về các Nhà máy điện rác xử lý; khối lượng còn tồn đọng ngoài môi trường để lên phương án xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo, kế hoạch thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh.
Đồng thời thực hiện quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đối với địa bàn chịu ảnh hưởng từ nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 (Hải Dương); các địa phương có hoạt động sản xuất làng nghề để cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường chung. Tổ chức đánh giá thực trạng xây dựng các đề án, kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát vận hành thử nghiệm tại các Nhà máy đốt rác phát điện để hoàn tất thủ tục, tiêu chuẩn cho vận hành chính thức.
Kiểm soát, ngăn ngừa gia tăng ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương triển khai. |
Sở TN&MT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương có khu vực làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như TP Bắc Ninh, huyện Tiên Du, Yên Phong để xem xét nội dung, kiến nghị của các địa phương trong thực hiện Đề án tồng thể bảo vệ ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê, xã nghề Văn Môn và lộ trình chuyển đổi sản xuất của CCN Giấy Phú Lâm, nhằm xây phương án giải quyết kịp thời mọi vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường làng nghề.
Năm 2024, Sở TN&MT tỉnh tiếp tục tập trung quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; kiểm soát, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học; từng bước xây dựng, hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành TN&MT. Đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập trung đạt 100%; tỷ lệ các cụm công nghiệp và các làng nghề truyền thống có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn 30%...
Triển khai Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PEPI 2022), với 65,29 điểm, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 4 cả nước trong thực hiện Bộ chỉ số này sau thành phố Đà Nẵng (73,33 điểm) và 2 tỉnh: Bắc Kạn (70,29 điểm), Lạng Sơn (65,62 điểm).
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường, bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực công ích, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng. Một số chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN, làng nghề và khu vực nông thôn đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình thực tế... Về lâu dài, tỉnh Bắc Ninh sẽ chuyển hướng thu hút đầu tư vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; các dự án xây dựng hạ tầng. Những ngành được khuyến khích đầu tư gồm công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học. Cùng với đó, tỉnh sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, ngành du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo,...
Nguồn:Bảo vệ môi trường - nền tảng phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững