Bảo vệ môi trường nông thôn, môi trường làng nghề
Bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết đảm bảo quyền con người Mức xử phạt đối với hành vi đổ chất thải thông thường xuống biển là bao nhiêu? |
Cử tri tỉnh An Giang đề nghị nghiên cứu và quản lý hiệu quả rác thải trong nông nghiệp, có quy định và chế tài đối với doanh nghiệp sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật, có trách nhiệm thu hồi bao bì, chai lọ do doanh nghiệp đó sản xuất để đảm bảo môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường nông thôn (Điều 58) và bảo vệ môi trường làng nghề (Điều 56); bao gồm các quy định về trách nhiệm quản lý chất thải phát sinh từ khu vực nông thôn, làng nghề.
Ảnh minh họa |
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định về việc phân loại chất thải tại nguồn nhằm quản lý và tận dụng tối đa chất thải phát sinh để tái chế, tái sử dụng, tối ưu hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Theo đó, chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn cần được phân loại thành chất thải cần phải quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp cần được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất.
Đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường làng nghề (phần lớn thuộc khu vực nông thôn) đã được quy định cụ thể để đảm bảo xây dựng phương án bảo vệ môi trường trong đó có chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất từ khu vực làng nghề.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết nội dung bảo vệ môi trường nông thôn, làng nghề, đồng thời hướng dẫn chi tiết các quy định về quản lý chất thải, bao gồm quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải phát sinh chất thải sản xuất, các hộ gia đình phát sinh chất thải sinh hoạt; yêu cầu về năng lực thu gom, xử lý chất thải của các đơn vị có chức năng.
Để tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất đối với bao bì phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,… Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định các cơ chế bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý, tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại (trong đó có bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật) một cách bắt buộc tại Điều 54, Điều 55. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại (trong đó có bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật), khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải.
Để hướng dẫn quy định nêu trên của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất tại mục 1 Chương VI. Theo đó, nhà sản xuất bao bì phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất theo lộ trình từ ngày 01/01/2024 với tỷ lệ, quy cách, hình thức tái chế cụ thể.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã bổ sung quy định chế tài liên quan đến bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại Điều 41; chế tài đối với hành vi vi phạm liên quan đến trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu trong đó có bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật.
Nguồn:Bảo vệ môi trường nông thôn, môi trường làng nghề