Bảo vệ, phát triển rừng phục vụ khai thác trữ lượng carbon
Quảng Bình hiện có trên 590.000ha rừng, trong đó trên 469.000ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, chất lượng rừng ở Quảng Bình còn khá tốt, trữ lượng trên 50 triệu m3. Rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã… quản lý, bảo vệ.
Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm bán tín chỉ carbon vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107 của Chính phủ. Trong năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng. Tổng diện tích được chi trả theo kế hoạch được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt là 469.317 ha.
Cụ thể, diện tích phải chi trả: 469.317 ha; diện tích đã chi trả: 424.148 ha; diện tích còn lại phải chi trả: 45.169 ha. Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình thông tin, nguồn thu bán tín chỉ carbon đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý bảo vệ rừng.
Nguồn thu bán tín chỉ carbon rừng góp phần gia tăng nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. |
Ban Quản lý Rừng Phòng hộ huyện Quảng Ninh đang quản lý, bảo vệ trên 52.000ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon. Với số tiền này, dựa vào hướng dẫn của cấp trên, Ban lập kế hoạch chi tiêu phù hợp. Trong đó, 10% nguồn kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng như: Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, hỗ trợ xăng dầu cho xe, thuyền khi tuần tra truy quét, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Số còn lại hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng và xây dựng mô hình sinh kế...
Nhằm đưa ra các hướng đi rõ ràng hơn trong việc bán tín chỉ carbon, Sở NN&PTNT Quảng Bình đề xuất giải pháp, cần tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC).
Tập trung xây dựng kế hoạch tài chính hằng năm; đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện bán tín chỉ carbon theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tham mưu tỉnh xây dựng kế hoạch điều tra rừng tỉnh Quảng Bình năm 2024, trong đó tập trung nội dung tổ chức điều tra sinh khối và trữ lượng carbon rừng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, nhằm xác định được tổng trữ lượng sinh khối và trữ lượng carbon rừng cho từng kiểu trạng thái và toàn bộ các hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác quản lý rừng, tạo cơ sở dữ liệu để khai thác tiềm năng tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế về tạo tín chỉ carbon, trong đó đảm bảo tiêu chí rừng được trồng trên đất không có rừng trong 10 năm.
Những năm qua để nâng cao chất lượng rừng trồng, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ, vận động, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn Hiện, toàn tỉnh đã trồng được gần 4.100ha rừng gỗ lớn; trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn các huyện: Lệ Thủy (hơn 1.300ha), Quảng Ninh (gần 1.000ha), Tuyên Hóa (trên 550ha). Nhằm xây dựng đầu ra ổn định cho RGL, những năm qua, tỉnh đã xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh còn chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ rừng (FSC). Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và hiện đang tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho thêm khoảng 15.000ha.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, thúc đẩy phát triển thị trường carbon. |
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1004/UBND-KT với các nội dung chính nhằm tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy phát triển thị trường carbon. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), phương thức tạo tín chỉ carbon, tham gia thị trường carbon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thị trường carbon.
Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương cần quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất. Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính NDC.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu thực hiện biện pháp lâm sinh để phục hồi, nâng cấp chất lượng, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tính bền vững của rừng trồng.
Các sở, ban, ngành và địa phương có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tuân thủ quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon; xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC để làm cơ sở cho hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với đối tác quốc tế; thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan rà soát, yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp triển khai chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trên địa bàn, thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin về chương trình, dự án, số lượng tín chỉ các-bon được tạo ra theo quy định.
Nguồn: Bảo vệ, phát triển rừng phục vụ khai thác trữ lượng carbon