Biến đổi khí hậu đe dọa khả năng tiếp cận nước và vệ sinh
Rủi ro gia tăng
Ông Thomas Croll-Knight - phát ngôn viên của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) cho biết, BĐKH đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống nước và vệ sinh ở các quốc gia trên thế giới.
Nhà máy xử lý nước thải ở Zurich, Thụy Sĩ. |
Theo UNECE và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, mặc dù là ưu tiên phù hợp với Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng kế hoạch giúp tiếp cận nguồn nước tiềm năng khi đối mặt với áp lực khí hậu vẫn chưa được thực hiện ở khu vực châu Âu.
Các cuộc thảo luận liên chính phủ tại Geneva (Thụy Sĩ) vừa diễn ra vào tuần trước cho thấy, trong hầu hết các trường hợp trong khu vực gồm 56 quốc gia, cũng thiếu sự phối hợp về nước uống, vệ sinh và sức khỏe.
Ông Croll-Knight cảnh báo: “Từ việc nguồn cung cấp nước bị giảm và ô nhiễm nguồn cung cấp nước đến thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng thoát nước, những rủi ro này sẽ tăng lên đáng kể nếu các quốc gia không tăng cường triển khai các biện pháp để tăng khả năng phục hồi”.
Theo ước tính, hơn một phần ba của Liên minh châu Âu sẽ chịu căng thẳng cao về nước vào những năm 2070 - thời điểm số người bị ảnh hưởng thêm dự kiến sẽ tăng lên 16 - 44 triệu người so với năm 2007.
Ngoài ra, trên toàn cầu, mỗi lần tăng 1 độ C do hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ dẫn đến giảm 20% nguồn nước tái tạo, ảnh hưởng đến thêm 7% dân số.
Tích hợp cơ sở lý luận về giảm BĐKH
Trong khi đó, khi các chính phủ chuẩn bị cho hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc (COP27) vào tháng 11/2022 và Hội nghị về nước năm 2023 của Liên hợp quốc, UNECE đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về các khu vực của châu Âu trong tương lai. Từ việc cơ sở hạ tầng cấp thoát nước bị hư hại đến suy giảm chất lượng nước và tràn nước thải, các tác động này đều được nêu rõ. Chẳng hạn, nhu cầu năng lượng gia tăng và sự gián đoạn các nhà máy xử lý ở Hungary đang đe dọa chi phí vận hành bổ sung để xử lý nước thải.
Đồng thời, những thách thức trong việc đảm bảo cung cấp đủ nước ở Hà Lan đã tăng lên, trong khi Tây Ban Nha phải vật lộn để duy trì nguồn cung cấp nước uống tối thiểu trong thời gian hạn hán.
Mặc dù các sáng kiến thích ứng với quản lý nước đã xuất hiện trong nhiều Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và Chương trình Hành động Quốc gia (NAP) theo Thỏa thuận Paris, nhưng vẫn chưa có các cơ chế và phương pháp quản lý để tích hợp nước và khí hậu, khiến các vấn đề về nước uống, vệ sinh và sức khỏe vẫn chưa được giải quyết hợp lý.
Việc tăng cường các cơ chế quản lý đầy đủ cũng như các biện pháp theo Nghị định thư về Nước và Sức khỏe - một thỏa thuận đa phương duy nhất do UNECE và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu thực hiện - có thể đóng một vai trò quan trọng.
Điều này có thể hỗ trợ đưa ra nhiều lựa chọn hơn để đưa nước, vệ sinh và sức khỏe vào NDC và NAP và đảm bảo rằng các chiến lược cung cấp nước uống và vệ sinh cấp quốc gia và địa phương sẽ tích hợp cơ sở lý luận rõ ràng về giảm thiểu BĐKH và phân tích rủi ro.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã hối thúc tất cả các nước trong khu vực gia nhập Nghị định thư và áp dụng đầy đủ các điều khoản. Nghị định thư này chính là lời kêu gọi của Pedro Arrojo-Agudo, Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người đối với nước uống và vệ sinh an toàn, người đã đề cập đến Nghị định thư như một công cụ quan trọng liên kết sức khỏe cộng đồng với môi trường.
Nguồn: Biến đổi khí hậu đe dọa khả năng tiếp cận nước và vệ sinh