Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng và sâu bệnh
Tại phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Lâm nghiệp (COFO) - Cơ quan quản lý lâm nghiệp hàng đầu của FAO, có nhiệm vụ xác định các vấn đề kỹ thuật và chính sách mới nổi, tìm kiếm giải pháp và tư vấn cho FAO về hành động thích hợp, FAO đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Tình trạng rừng thế giới năm 2024: Những đổi mới sáng tạo trong ngành lâm nghiệp hướng tới một tương lai bền vững hơn”.
Nội dung báo cáo nêu rõ, rừng và cây cối là thành phần thiết yếu của hệ thống nông nghiệp. Việc loại bỏ độ che phủ rừng, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, làm tăng nhiệt độ cục bộ và phá vỡ kỷ lục lượng mưa theo cách làm tăng thêm tác động cục bộ của biến đổi khí hậu toàn cầu, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn đối với năng suất nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng và sâu bệnh |
Báo cáo cũng chỉ ra những bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các khu rừng dễ bị tổn thương hơn trước các tác nhân gây căng thẳng như cháy rừng và sâu bệnh.
Cụ thể, cường độ và tần suất cháy rừng đang gia tăng, kể cả ở những khu vực trước đây không bị ảnh hưởng, với các vụ cháy rừng xảy ra trong năm 2023 đã thải ra khoảng 6.687 megaton carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu. Vào năm 2021, những đám cháy rừng như vậy đã chạm đến một mức cao mới, chủ yếu là do tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến sự gia tăng về mức độ nghiêm trọng của các đám cháy và mức tiêu thụ nhiên liệu, đồng thời chiếm gần 1/4 tổng lượng phát thải do cháy rừng.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng làm cho rừng dễ bị tổn thương hơn trước các loài xâm lấn, côn trùng, sâu bệnh và mầm bệnh đe dọa sự phát triển và sinh tồn của cây. Tuyến trùng gỗ thông (một loại giun ký sinh) đã gây ra thiệt hại đáng kể cho rừng thông bản địa ở một số quốc gia trong khu vực châu Á, và các khu vực ở Bắc Mỹ được dự báo sẽ đối mặt với thiệt hại nặng nề do côn trùng và dịch bệnh vào năm 2027. Trong khi đó, sản lượng gỗ toàn cầu vẫn ở mức kỷ lục. Sau một thời gian ngắn sụt giảm trong đại dịch COVID - 19, sản lượng đã quay trở lại ở mức khoảng 4 tỷ mét khối mỗi năm.
Trước những thách thức trên, báo cáo của FAO cho rằng, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm nghiệp đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Tổng Giám đốc FAO, ông Qu Dongyu cho biết, FAO nhận thấy khoa học và đổi mới sáng tạo là những thành phần quan trọng để đạt được các giải pháp dựa vào rừng. Báo cáo này sẽ cung cấp thông tin cho các hoạt động của FAO nhằm mở rộng quy mô đổi mới sáng tạo dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời sẽ hỗ trợ các thành viên của FAO và các bên liên quan khác trong việc tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo cần thiết, toàn diện và có trách nhiệm trong ngành lâm nghiệp, nhằm tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi của các hệ thống nông sản vì một thế giới tốt đẹp hơn và một tương lai tốt đẹp hơn dành cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, báo cáo của FAO đã xác định 5 loại hình đổi mới sáng tạo giúp nâng cao tiềm năng của rừng nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm: công nghệ, xã hội, chính sách, thể chế và tài chính.
Các ví dụ bao gồm tiềm năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích tự động một khối lượng lớn dữ liệu quang học, radar và lidar hiện tại và tương lai, được thu thập hàng ngày bởi các máy bay không người lái, vệ tinh và các trạm vũ trụ; việc áp dụng gỗ khối và các cải tiến làm từ gỗ khác có thể thay thế những sản phẩm làm từ hóa thạch trong lĩnh vực xây dựng; các chính sách nhằm thu hút phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa vào việc phát triển các giải pháp do địa phương lãnh đạo; và những đổi mới sáng tạo trong tài chính công và tư nhân để nâng cao giá trị của rừng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng liệt kê 5 hành động hỗ trợ sẽ giúp tăng cường đổi mới sáng tạo trong ngành lâm nghiệp, bao gồm: nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng, năng lực và kiến thức đổi mới, khuyến khích các quan hệ đối tác chuyển đổi, đảm bảo nguồn tài chính có thể tiếp cận được nhiều hơn và phổ biến hơn dành cho đổi mới sáng tạo, cũng như cung cấp chính sách và môi trường pháp lý khuyến khích.
Nguồn: Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng và sâu bệnh