Biến rác thải thành lợi nhuận
Sông Ruzizi bị ô nhiễm nặng bởi rác thải nhựa. Ảnh: AFP |
Tại vùng Bukavu, miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, hàng triệu chai nhựa thường xuyên bị ném xuống sông Ruzizi và mới đây, những chai nhựa này đã làm tắc tuabin của nhà máy thủy điện khiến nhà máy phải đóng cửa và thành phố chìm trong bóng tối.
Ông Lievin Chizungu - thuộc Hiệp hội Điện lực Quốc gia, đơn vị điều hành nhà máy - cho biết, vụ tắc nghẽn rác thải nhựa đã làm kẹt một trong các tuabin suốt hai tháng rưỡi, dẫn đến sự cố gián đoạn nguồn cung cấp điện cho toàn thành phố. “Đó là điều không may mắn! Do không có bãi rác và nhận thức còn hạn chế nên mọi người đã vứt rác thải vào các mương nước khiến nhà máy bị tắc và thành phố bị ô nhiễm” - ông Chizungu nói.
Gần đây, vấn đề rác thải nhựa tại Bukavu ít nhiều đã được giải quyết bởi một doanh nghiệp địa phương. Công ty FDA Group của ông Elie Mapenzi Matabaro bắt đầu tái chế các loại rác thải nhựa của thành phố thành những tấm nhựa lát đường. Chúng vừa cứng cáp lại vừa rẻ tiền, đồng thời còn tạo vẻ đẹp độc đáo cho các con đường và lối đi trong thành phố.
Công việc này giúp ông Matabaro vừa kiếm được tiền, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, đồng thời giúp giải quyết phần nào vấn đề rác thải cho thành phố.
Vớt rác thải nhựa trên sông đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ảnh: AFP |
Hàng ngày, những người công nhân của công ty sẽ đến khu vực bờ sông và vớt các loại rác thải nhựa, sau đó đưa về nhà máy phân loại, xử lý. Còn tại khu vực trạm thủy điện, nhiều công nhân với các thiết bị lặn dưới nước tiến hành tìm kiếm, dọn dẹp rác thải nhựa mắc kẹt ở cửa tuabin nhà máy trong khi những người khác ở trên thuyền phụ trách công việc trục vớt, thu gom phần rác nổi trên mặt nước.
Rác thải nhựa được nấu chảy, đổ vào khuôn và sau đó tạo thành từng tấm lát nhựa hình lục giác. Khi nhựa đã nguội, các tấm đúc được gỡ ra, bán cho khách hàng có nhu cầu.
Anh Obedi Erodia - một khách hàng đã từng mua và sử dụng tấm nhựa lát đường của công ty FDA Group - chia sẻ: anh rất thích các sản phẩm tấm lát nhựa bởi nó rất dễ vệ sinh, đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương anh đang sinh sống. “Ưu điểm của những tấm lát nhựa này là ít tốn kém hơn so với tấm lát xi măng”, anh Erodia cho biết.
Được biết, ông Elie Mapenzi Matabaro đã ký một thỏa thuận với ban điều hành nhà máy thủy điện để thu gom nhựa. Đây là một thỏa thuận mà đôi bên đều có lợi. Ông Mapenzi nhấn mạnh: “Chính hoạt động kinh doanh đã giúp chúng tôi biến vấn đề môi trường thành tài nguyên kinh tế”.
Nguồn: Biến rác thải thành lợi nhuận