Bình Định: Cần có giải pháp sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên
Với hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao, nhất là nguồn lợi thủy sản (NLTS), đầm Đề Gi góp phần quan trọng duy trì sinh kế cho người dân sống ven đầm, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, và gần đây là phát triển du lịch. Tuy nhiên, do khí hậu biến đổi, hoạt động xả thải vào môi trường vùng đầm, khai thác thủy sản bằng phương pháp hủy diệt, quá trình đô thị hóa ồ ạt… làm tổn hại đến mức độ đa dạng sinh học của đầm.
Từ năm 2021 - 2022, Sở TN&MT phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện TN&MT (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện Dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loại động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Đề Gi” theo quyết định của UBND tỉnh về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại đầm Đề Gi, hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn tỉnh.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, kết quả bước đầu thực hiện dự án, các chuyên gia xác định tại đầm Đề Gi hiện không có loài đặc hữu nào, nhưng lại có 7 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; 3 loài trong Sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế; 1 loài sẽ nguy cấp, 2 loài ít quan tâm; 58 loài động, thực vật có giá trị kinh tế; 14 loài sinh vật ngoại lai…
Người dân nuôi thủy sản trên đầm Đề Gi. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Để việc bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm Đề Gi đạt hiệu quả cao, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh vấn đề nên sớm có biện pháp sử dụng hợp lý và phát triển NLTS, để vừa đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân sống ven đầm, vừa phát triển NLTS.
Không có nhiều nơi có cả núi - đầm phá - biển liên kế với nhau như Bình Định, hơn nữa hiện hệ thống giao thông đã hoàn thiện rất tốt cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không; và đó là nền tảng quan trọng để GS.TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện TN&MT, chủ nhiệm dự án điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loại động vật, thực vật tại đầm Đề Gi, góp ý: “Nếu có điều kiện, tỉnh Bình Định nên đầu tư xây dựng đề án thành lập Khu bảo tồn đầm Đề Gi gắn với quy hoạch hệ thống vùng đặc dụng Núi Bà để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái”.
Chia sẻ quan điểm với GS.TS Hoàng Văn Thắng, TS Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, gợi ý: Đặc thù địa lý và sự đa dạng tự nhiên của núi - rừng - đầm - biển như vùng đầm Đề Gi là nguồn tài nguyên quý giá, tỉnh Bình Định nên cho khảo sát dữ liệu về các loài chim di cư theo mùa, các chỉ số lý hóa, sinh học, giám sát chất lượng môi trường; lập bản đồ hệ sinh thái để chính quyền địa phương quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại đầm Đề Gi…
Hiện trạng của vùng đầm đến nay vẫn còn tương đối tốt, vì thế nhiều chuyên gia đã thống nhất đề nghị tỉnh Bình Định chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác bền vững giá trị hệ sinh thái đầm Đề Gi, duy trì mô hình đồng quản lý NLTS ven bờ tại địa phương…
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cho biết: “Trước nguy cơ suy giảm NLTS, tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nước đầm Đề Gi chưa được giải quyết rốt ráo, địa phương đề nghị các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch khu vực bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái để phát triển KT-XH ở địa phương”.
Ở góc độ là cơ quan chuyên môn, TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: Thông qua kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, chúng tôi sẽ tham mưu Sở TN&MT, UBND tỉnh xem xét, đánh giá kết quả của dự án trong bối cảnh phát triển KT-XH ven đầm Đề Gi, từ đó lập quy hoạch chung ở địa phương. Chi cục sẽ đề xuất thành lập cơ quan bảo vệ sinh cảnh hay bảo vệ loài - đây cũng là đích đến cuối cùng để bảo tồn đa dạng sinh học đầm Đề Gi.
Nguồn: Cần có giải pháp sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên