Bình Định cần tăng cường thu gom chất thải rắn sinh hoạt
Mục tiêu tỉnh Bình Định đặt ra là đảm bảo năm 2024, chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt từ 90 - 95% và khu vực nông thôn đạt từ 70 - 75%. Theo Sở TN&MT Bình Định, quý I/2024, nhờ nỗ lực lớn một số địa phương như TX An Nhơn, Hoài Nhơn, các huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát… có tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt cao so với năm 2023.
Ông Lê Hoài An, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn cho biết: Từ đầu năm 2024, TX An Nhơn đã xây dựng, ban hành phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn và được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện công tác thu gom rác thải sinh hoạt đạt tỷ lệ theo yêu cầu và tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa |
Hiện Ban Quản lý các dịch vụ đô thị An Nhơn đã tăng tần suất thu gom theo quy định. Ngoài ra, phối hợp với UBND các xã như Nhơn Hạnh, Nhơn Tân mở rộng địa bàn thu gom bằng cách dùng cộ kéo, cộ đẩy đi lấy rác ở các khu dân cư có đường nhỏ, hẹp; sau đó đưa đến điểm tập kết cố định để xe chuyên dụng tới chở.
Còn theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, công tác thu gom CTRSH tại địa phương trong quý I/2024 đảm bảo các chỉ tiêu do tỉnh giao và huyện phấn đấu. Trong đó, tỷ lệ thu gom CTRSH khu vực đô thị đạt trên 82% và khu vực nông thôn đạt trên 73%. Ngoài ra, huyện đã xóa bỏ 28/66 điểm rác thải tự phát trên các trục đường chính; thời gian tới cố gắng xóa bỏ hết các điểm còn lại để đảm bảo mỹ quan và môi trường.
Tuy đạt một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, các địa phương không nên chủ quan khi nhìn vào số liệu từ đầu năm. Bởi không như các tiêu chí khác thường tăng dần về cuối năm, tiêu chí thu gom rác thải sinh hoạt lại cao nhất vào dịp đầu năm. Các địa phương phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đạt tiêu chí thu gom, xử lý CTRSH năm 2024 do tỉnh đặt.
Bà Hương dẫn chứng, đến hết quý I/2024, các địa phương trong tỉnh đã tăng tần suất thu gom CTRSH theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhưng phần lớn chỉ triển khai tăng tần suất thu gom từ 2 lên 3 lần/tuần và mức độ này chưa đạt theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, một số địa phương có tần suất thu gom thấp hoặc chưa có dịch vụ thu gom CTRSH. Đơn cử, huyện Hoài Ân có 9/14 xã và huyện Vân Canh có 4/6 xã đến nay vẫn chỉ thu gom với tần suất 2 lần/tuần. Ngoài ra, huyện An Lão có 7/10 xã; huyện Hoài Ân có 5/14 xã; huyện Vĩnh Thạnh có 4/8 xã; huyện Vân Canh có 1/6 xã chưa có dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt.
Sở TN&MT Bình Định đã có đề cương hướng dẫn đến UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng phương án thu gom, vận chuyển CTRSH. Tuy nhiên, đến hết quý I/2024, trừ huyện Tây Sơn và TX An Nhơn, có 9/11 địa phương chưa xây dựng và ban hành phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đảm bảo theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác này, năm 2024, UBND tỉnh Bình Định bổ sung mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố với số tiền hơn 95 tỷ đồng. Trong đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hơn 63 tỷ đồng; 32 tỷ đồng mua sắm xe chuyên dụng vận chuyển CTRSH.
Do đó, tại cuộc họp về thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Tuấn Thanh lưu ý, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xác định công tác thu gom, xử lý CTRSH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; chỉ tiêu đánh giá thi đua đối với các địa phương. Phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề môi trường; nhất là các chế tài xử lý đối với hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định, không tham gia dịch vụ thu gom, không đóng phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đặc biệt, 9 huyện, thị xã, thành phố còn lại phải khẩn trương xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH năm 2024. Trong phương án phải cụ thể tần suất thu gom phù hợp tại từng khu vực; chú trọng khu vực công cộng, quốc lộ, tỉnh lộ, điểm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, sắp xếp, bố trí nhân lực, phương tiện, kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nguồn: Bình Định cần tăng cường thu gom chất thải rắn sinh hoạt