Bình Định: Cảnh báo sớm, kiểm soát hiệu quả chất lượng không khí
Để duy trì được mức độ này trong bối cảnh phát triển KT-XH, đô thị hóa tăng nhanh, cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ, cảnh báo sớm để cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Đáng chú ý, dù được đánh giá khá tốt nhưng chất lượng môi trường không khí (MTKK) tại một số nút giao thông có lưu lượng xe cộ cao, như: Ngã 5 Đống Đa, ngã 3 QL 1 và đường Hùng Vương, giao lộ QL 19B và khu Trung tâm thương mại Bắc sông Hà Thanh (TP Quy Nhơn), ngã 3 Cầu Gành (huyện Tuy Phước), ngã 4 đường Trần Phú và Quang Trung (TX An Nhơn)… có tổng bụi lơ lửng vượt từ 1 - 1,6 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT. Một số nút giao thông, như QL 19B và đường đi Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn), QL 1 ngã 3 phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn)… có nồng độ bụi ở mức cao. Năm 2021, Sở TN&MT đã tổ chức quan trắc, bổ sung thêm hai chỉ tiêu bụi mịn PM10, PM2.5, kết quả đã có 3/53 điểm có hàm lượng bụi mịn vượt so với QCVN 05:2013/BTNMT.
Nút giao thông ngã 5 Đống Đa, TP Quy Nhơn có tổng bụi lơ lửng vượt từ 1 - 1,6 lần. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Phần lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh có chỉ số bụi lơ lửng nằm trong QCVN, nhưng cá biệt tại một số nơi, như: Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (TX An Nhơn) có hàm lượng bụi cao hơn QCVN đến 1,34 lần; khu vực khai thác đá núi Sơn Triều (TX An Nhơn) phát thải bụi vào không khí ở mức cao…
Các chuyên gia cũng xác định giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn đặc thù tại các đô thị với độ ồn gần ngưỡng giới hạn của QCVN 26:2010/ BTNMT. Một số khu vực có độ ồn cao, biến động nhiều, như Khu công nghiệp Phú Tài (63,3 - 72,9 dBA), khu vực khai thác đá núi Sơn Triều (62 - 72,3 dBA), khu vực khai thác đá tại núi Chùa (huyện Phù Mỹ) độ ồn dao động từ 62,2 - 67 dBA…
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường miền Nam, kiêm Giám đốc ENTEC, chia sẻ: So với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thì vấn đề ô nhiễm MTKK ở Bình Định chưa phải là vấn đề lớn, nhưng nếu không tích cực, nỗ lực nhiều hơn sẽ không giữ được điều này. Hơn nữa tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Định vấn đề ô nhiễm MTKK cũng bắt đầu trở thành “điểm nóng”. Cùng với việc hoàn thiện báo cáo kết quả đánh giá chất lượng MTKK tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2021, chúng tôi cũng đưa ra những giải pháp để đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng MTKK phù hợp theo lộ trình.
Có thể thấy rằng, chất lượng MTKK ở Bình Định còn tốt càng phải quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể quản lý chất lượng MTKK; chung tay kiểm soát chất lượng MTKK để giữ được môi trường trong lành như hiện nay. Việc sớm đưa ra những cảnh báo, giải pháp làm giảm thiểu ô nhiễm MTKK là rất cần thiết.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Sở TN&MT cũng đã dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và đang lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, các địa phương để thống nhất trình UBND tỉnh ban hành, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng MTKK của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân về quản lý chất lượng MTKK, đảm bảo sức khỏe cộng đồng…
Nguồn: Cảnh báo sớm, kiểm soát hiệu quả chất lượng không khí