Bình Định: Cửa biển Kim Bồng trong di sản Mộc bản triều Nguyễn
Cửa biển Kim Bồng hay còn gọi là cửa biển Tam Quan nay thuộc phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn, từ xa xưa đã giữ vị trí đặc biệt trong hệ thống phòng thủ của tỉnh Bình Định. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9 có nhắc về cửa biển này như sau “Tỉnh Bình Định: Phía Đông giáp biển, phía Tây nắm các sơn động, phía Bắc có đèo Bến Đá ngăn cản; phía Nam có đèo Cù Mông dốc hiểm; sông lớn thì Lại Dương và Tam Huyện; thượng du thì các bảo Trà Vân và Phượng Kiệu đóng giữ; ven biển thì các trấn Thi Nại, Kim Bồng phòng ngự”.
Về cửa biển Kim Bồng, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 30 có ghi rằng: “Tấn Kim Bồng: Ở phía Đông Bắc, huyện Bồng Sơn, rộng 11 trượng, thủy triều lên sâu 3 thước, thủy triều xuống sâu 1 thước, thủ sở ở địa phận thôn Tứ Chính...”.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 30 ghi chép về cửa biển Kim Bồng (ngày nay là cửa biển Tam Quan). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Suốt thời kỳ nhà Nguyễn lập nghiệp ở phương Nam, đặc biệt là ở giai đoạn cao trào trong cuộc chiến giữa Tây Sơn - Nguyễn Ánh, cửa biển Kim Bồng giữ một vị trí quân sự hết sức quan trọng, nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc chiến lớn nhỏ giữa hai bên. Lịch sử Triều Nguyễn đã ghi lại các cuộc chiến này như sau: Tháng 6, năm Kỷ Mùi (1799), tại cửa biển Kim Bồng: “Quản vệ Phấn dực là Tống Phước Lương đánh phá được thống binh giặc biển Tề Ngôi là Phàn Văn Tài ở cửa biển Kim Bồng, đuổi đến Phú Yên lại đánh được”. Tháng 7, năm đó, khi đang trú tại thành Bình Định; nhận thấy vị trí quan trọng của cửa biển Kim Bồng đối với sự an nguy của triều đại, vua Gia Long đã “sai Khâm sai chưởng cơ chi Trung chấn Trung quân là Nguyễn Tiến Lộc và Tham mưu điển quân Lê Nguyên đem quân bộ thuộc giữ cửa biển Kim Bồng”. Năm Nhâm Tuất (1802), sau khi giành thắng lợi trước quân Tây Sơn, đánh giá rất cao vai trò cửa biển này, vua Gia Long tiếp tục hạ lệnh cho bọn Tham luận Nguyễn Văn Thịnh và Cai hợp Võ Xuân Lý giữ các cửa biển Kim Bồng và cả hai cửa biển gần đó là An Dụ và Hà Ra. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 17, mặt khắc 6 ghi rằng: “Sai bọn Tham luận Nguyễn Văn Thịnh và Cai hợp Võ Xuân Lý giữ các cửa biển Kim Bồng, An Dụ, Hà Ra, Tham luận Loan Đức Lợi trông nom thuế đầm, các đồn Hải Hạc và Hải Đông”. Khi nhắc đến các cửa biển ở Bình Định, Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 12 cũng ghi chép khá nhiều về cửa biển Kim Bồng.
Bên cạnh việc cử người đến đốc trách công việc phòng giữ cửa biển, năm Đinh Hợi (1827), vua Minh Mạng đã chế kiềm gỗ cấp cho các sở giữ cửa biển ở các trấn, trong đó có cửa biển Kim Bồng: “Chế kiềm gỗ cấp cho các sở giữ cửa biển các trấn (cửa Đại Chiêm, Đại Áp ở Quảng Nam, cửa Thái Cần, Đại Cổ Luỹ ở Quảng Ngãi, cửa Kim Bồng, An Du, Thi Nại ở Bình Định, cửa Cù Mông, Xuân Đài ở Phú Yên, cửa Cù Huân, Vân Phong (Hòn Khói) ở Bình Hoà…”. Cùng năm đó, vua Minh Mạng đã chuẩn cấp cho cửa biển Kim Bồng những vũ khí phòng thủ tối tân nhất lúc bấy. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 153, chép: “Năm Minh Mạng thứ 8, nghị, chuẩn: Tấn Thuận An thuộc Thừa Thiên, cấp cho 8 bắc cơ điểu sang, 20 thương dài… Thi Nại, Đề Di, An Dụ, Kim Bồng gồm 4 tấn thuộc Bình Định, mỗi tấn đều 50 thương dài. Năm Minh Mạng thứ 18 nghị chuẩn: Các quan, tấn, bảo đồn cần cấp điểu sang thì chiếu theo nghị trước cấp phát… Bốn tấn Thi Nại, Đề Di, An Dụ, Kim Bồng ở Bình Định đều 10 cây”.
Như vậy, có thể thấy dưới triều Nguyễn, trong tuyến phòng thủ đường biển, cửa biển Kim Bồng đã được bảo vệ để phòng thủ mặt biển và kiểm soát mọi điều bất trắc xảy ra.
Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, cửa biển Kim Bồng giờ đây đã trở nên phẳng lặng, yên bình. Đáng lưu ý là để hạn chế nạn cát bồi lấp luồng vào, Nhà nước đã đầu tư rất lớn để làm đê chắn sóng, tổ chức nạo vét luồng lạch để tàu thuyền ra vào dễ dàng. Và để phát huy lợi thế của cửa biển này, chính quyền còn đầu tư lớn để hệ thống cảng cá bên trong ngày càng thêm hoàn chỉnh.
Nguồn: Cửa biển Kim Bồng trong di sản Mộc bản triều Nguyễn