Bình Định: Đổi mới hoạt động khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Bình Định: Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định: Tất bật vào vụ hàng tết |
Thực hiện mục tiêu đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát thực tế, nhu cầu của nông dân, Trung tâm Khuyến nông chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông, kịp thời nắm bắt, tiếp cận tiến bộ KHKT, cập nhật năng lực làm chủ các ứng dụng mới, kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nền tảng quan trọng tạo cơ sở để việc chuyển giao cho người dân đạt hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu sản xuất, đáp ứng các mục tiêu phát triển. Trong đó, tập trung xây dựng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó chất lượng hoạt động khuyến nông ngày được nâng cao, giúp bà con nông dân, ngư dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào việc phát triển KT-XH, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ semi-floc có sử dụng máy cho ăn tự động do Trung tâm Khuyến nông triển khai ở huyện Phù Cát. Ảnh: MINH TIẾN |
Hiện nay, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở dần đủ năng lực tập huấn và áp dụng các nội dung đã triển khai vào thực tiễn, như: Kỹ năng giao tiếp, phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân, phương pháp tập huấn tại hiện trường, phương pháp tổ chức hoạt động khuyến nông tại cơ sở. C ông tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo thực hiện có hiệu quả về nội dung, đa dạng về hình thức và các phương pháp mới đã góp phần phản ánh kết quả sản xuất nông nghiệp, phong trào xây dựng nông thôn mới, các giải pháp và thông tin kỹ thuật cần thiết phục vụ cho sản xuất. Đồng thời nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ khuyến nông cũng như kiến thức KHKT mới cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và nông dân chủ chốt của các địa phương.
Năm 2022 Trung tâm Khuyến nông thực hiện 17 mô hình khuyến nông ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Qua kết quả đánh giá, Trung tâm đã chọn một số mô hình phù hợp, đạt hiệu quả cao để triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Trên lĩnh vực trồng trọt, có các mô hình được đánh giá cao như thâm canh lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ; thâm canh cây trồng cạn trên đất chuyển đổi, thâm canh cây mè, trồng các giống rau mới, rau chịu nhiệt, thâm canh cây đậu phụng gắn với liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, thâm canh cây bưởi theo hướng hữu cơ, thâm canh cây dừa theo hướng hữu cơ. Lĩnh vực thủy sản có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi - Biofloc, nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt, nuôi cá thát lát cườm trong hồ thủy lợi gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Để thực hiện thành công các mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả cao, Trung tâm đã cử cán bộ về cơ sở, phối hợp với các đơn vị có liên quan để chỉ đạo sản xuất như: Hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, tư vấn cho các địa phương về cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, lịch thời vụ. Cụ thể đã tập trung triển khai vào các mô hình có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, an toàn thực phẩm, mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao… Cùng với đó Trung tâm còn hợp tác chặt chẽ với các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn như dự án rau an toàn, chương trình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất, dự án trồng rừng gỗ lớn... Nhờ vậy người sản xuất khá yên tâm ở khâu tiêu thụ, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực từ thị trường. Hơn nữa các mô hình này còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại Bình Định theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: Đổi mới hoạt động khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao