Bình Định: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Quá nhiều khó khăn
Theo báo cáo từ Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp trong 10 tháng năm 2022 tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ước đạt 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 10 tháng năm 2022 ước đạt khoảng 1,33 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: KNXK tuy có xu hướng tăng nhưng phần lớn ở các sản phẩm xuất khẩu thô, gia công, như nông sản (mì lát), lâm sản (dăm gỗ)... KNXK ngành chế biến dăm gỗ tăng cao do xuất khẩu của sản phẩm dăm gỗ, viên nén gỗ tăng, nhất là viên nén gỗ phục vụ nhu cầu năng lượng…
Theo ông Ngô Văn Tổng, trong những tháng cuối năm 2022, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước Mỹ, EU…
Thực tế là từ tháng 10.2022, nhiều DN ở Bình Định bắt đầu gặp khó khăn: Thiếu đơn hàng, lãi suất và tỷ giá hối đoái tăng vọt. Một số DN không có đơn đặt hàng hoặc đơn đặt hàng bị hủy giữa chừng các tháng cuối năm 2022 và năm 2023 như: Công ty CP Phú Tài, Công ty TNNN TM Hoàng Giang, Công ty Tân Ánh Dương, Công ty May Tam Quan, Công ty Nhật Nam Hưng, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định…
Ông Lê Văn Luận, Giám đốc Công ty TNHH MTV đá thạch anh Phú Tài Bình Định, cho biết: Hiện nay, giá vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phí vận chuyển, nhất là xăng dầu tăng cao. Công ty đang phải mua nguyên liệu đá thạch anh tại mỏ đá ở tỉnh Quảng Nam, nhà cung cấp cũng có những khó khăn tương tự nên họ liên tục điều chỉnh tăng giá dẫn đến giá sản phẩm của mình phải tăng theo, giá cao thì khó cạnh tranh. Do đó, công ty kiến nghị Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan hỗ trợ hoàn tất các thủ tục hành chính, hồ sơ pháp lý cấp phép để có thể sớm khai thác mỏ đá thạch anh tại tỉnh để DN chủ động trong sản xuất.
Công ty TNHH MTV đá thạch anh Phú Tài Bình Định đang sản xuất bột đá thạch anh. Ảnh: HẢI YẾN |
Thời gian qua, nhiều khó khăn tương tự như trên đến cùng lúc khiến chi phí sản xuất tăng, hệ quả là năng lực cạnh tranh của DN bị giảm. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng, vay vốn dành cho DN sản xuất của nhà nước gần như không thể tiếp cận; trong bối cảnh đó môi trường đầu tư, kinh doanh cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa…
Linh hoạt tháo gỡ, vượt qua khó khăn
Để vượt qua khó khăn, các DN đã tìm tòi sáng tạo trong cách thức tháo gỡ, linh hoạt liên kết và chuyển hướng thích ứng với điều kiện sản xuất, kinh doanh, thị trường.
Ông Hồ Liên Nam, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP) cho biết: Để khắc phục khó khăn, từ ngày 5.10, chúng tôi mở tuyến dịch vụ container China South East Asia (CSE) kết nối trực tiếp hàng hóa nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia xuất nhập khẩu thông qua Cảng Quy Nhơn với các thị trường Trung Quốc (các cảng Dalian, Ningbo, Sanghai), Hàn Quốc (các cảng Busan, Incheon), Thái Lan (các cảng Bangkok, Laem Chabang), Philippines (cảng Manila). QNP chủ động phối hợp với các hãng tàu, đơn vị thu xếp dịch vụ vận tải cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa, tổ chức hội nghị nhóm khách hàng may mặc - nhóm khách hàng có lượng đơn hàng lớn, giá trị cao… đề xuất giải pháp logictics các sản phẩm may mặc đi Trung Quốc, Mỹ, châu Âu sao cho tiết kiệm nhất để tất cả các bên cùng có lợi. Thu hút thành công để Tập đoàn PACORINI xuất khẩu cà phê mà họ gom được ở khu vực Tây Nguyên qua Cảng Quy Nhơn, qua đó bước đầu hình thành chợ cà phê tại Cảng Quy Nhơn.
Đoàn công tác của Sở Công Thương làm việc tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN |
Còn bà Trần Thị Tiến, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thành Hưng, cho biết: Kinh doanh phân bón khó khăn, công ty chúng tôi linh hoạt chuyển hướng kinh doanh đa ngành, trước tiên là tham gia xuất khẩu mì, bắp sang các nước Philippines, Hàn Quốc và may mắn gặt hái thành công. Dự kiến cuối năm, doanh thu công ty đạt 800 tỷ đồng, đúng kế hoạch đề ra.
Để hỗ trợ cho DN trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương đã làm việc với 18 DN kinh doanh sản xuất các mặt hàng gỗ, đá, thủy sản, may mặc, phân bón…, để nắm bắt khó khăn, cùng nhau tháo gỡ. Từ đó Sở Công Thương đưa ra giải pháp cơ bản như: Tiếp tục triển khai công tác phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); cập nhật các thông tin về thị trường xuất khẩu, các cơ hội giao thương từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Hướng dẫn Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định xây dựng đề án xúc tiến thương mại năm 2023, đăng ký tham gia Hội chợ Đồ gỗ quốc tế Úc nhằm quảng bá sản phẩm gỗ Bình Định, giữ vững thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Úc.
Đồng thời, Sở Công Thương gởi các kiến nghị đến UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ DN thuận lợi đầu tư, phát triển kinh doanh sản xuất, tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Nguồn: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó