Bình Định hoàn thiện hạ tầng, phát triển các khu xử lý chất thải
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều sự cố môi trường quanh khu xử lý chất thải Tóc Tiên |
Tỉnh Bình Định hiện có 11 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, được phân thành 159 đơn vị cấp xã gồm 32 phường, 11 thị trấn và 116 xã. Theo thống kê của Sở TN&MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.048 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 483,38 tấn/ngày. Hiện mỗi ngày cả tỉnh thu gom, xử lý được 705,23 tấn/ngày, tương đương 67,3% tổng lượng rác phát sinh.
Đối với chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh mỗi ngày khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 6 tấn, chiếm tỷ lệ 81,5%. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 310 tấn/ngày; trong đó, khoảng 85% được tái sử dụng, còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 7,4 tấn/ngày, khối lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý khoảng 6,0 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 81,5%).
Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, cụ thể như: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn nông thôn đạt thấp (52,48%), tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu chỉ đạt 49,22%. Hiệu quả công tác xã hội hóa thu gom, xử lý CTR chưa cao, hạ tầng xử lý CTR sinh hoạt còn thiếu, đầu tư manh mún, cục bộ, khó tập trung nguồn rác để đầu tư xử lý theo công nghệ tiên tiến. Hạ tầng xử lý CTR công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu và thực tiễn phát sinh.
Trước dự báo về lượng chất thải gia tăng trên địa bàn, tỉnh Bình Định triển khai phát triển các khu xử lý chất thải tại các địa phương. |
Dự báo lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh toàn khu vực trong giai đoạn 2025 khoảng 1.200 tấn/ngày; giai đoạn 2035 khoảng 1.500 tấn/ngày. Đối với chất thải công nghiệp lần lượt là giai đoạn năm 2025 khoảng 1300 tấn/ngày; đến năm 2035: khoảng 2100 tấn/ngày. Lượng rác thải y tế phát sinh trung bình hàng ngày khoảng 4.500kg đến 5.000 kg bao gồm cả chất thải nguy hại. Chất thải rắn y tế phát sinh trong giai đoạn năm 2025: khoảng 8,0 tấn/ngày; giai đoạn năm 2035: khoảng 11,0 tấn/ngày. Thực tế này đòi hỏi tỉnh Bình Định cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải, trong đó cần chú trọng hoàn thiện hạ tầng, phát triển các khu xử lý chất thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu từng bước hình thành hệ thống đồng bộ quản lý CTR trên địa bàn tỉnh và các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế. Trong quy hoạch xử lý CTR lần này phải ưu tiên nghiên cứu các bãi chôn lấp CTR hợp vệ sinh, xây dựng một số cơ sở xử lý, tái chế CTR như: chế biến CTR thành phân vi sinh, vật liệu xây dựng, khí đốt, điện…:
Trong đó, đối với CTR sinh hoạt, đến năm 2025 phấn đấu tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt khu vực đô thị đạt 90% và khu vực nông thôn đạt 80%. Đến năm 2030: 95% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 90% tổng CTR tại các đô thị loại V và 85% tổng lượng CTRSH tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 60% tổng số hộ trong khu vực đô thị và 50% số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại CTRSH tại nguồn; 100% các bãi chôn lấp CTRSH không đáp ứng các yêu cầu về BVMT phải được cải tạo và xử lý ô nhiễm. Tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng CTR phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
Về quản lý CTR công nghiệp và CTR y tế thông thường, đến năm 2025: 90% tổng lượng CTR công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 95% lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Đến năm 2030: 100% tổng lượng CTR công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý. Đối với ý CTR nguy hại: Đến năm 2025: 100% tổng lượng CTR nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; 85% CTR nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về BVMT; 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật...
Bình Định phấn đấu đến năm 2025 giảm xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp xuống 10%. |
Dựa theo phân vùng địa lí cũng như đảm bảo tính liên kết vùng, huyện; Khu xử lý CTR cấp vùng (liên đô thị) có bán kính, khoảng cách phục vụ khoảng 25-30 km. Các khu xử lý CTR có thể giải quyết nhu cầu xử lý CTR của các đô thị ở gần nhau trong vùng, không phân chia ranh giới giữa các đô thị; toàn tỉnh chia thành 3 vùng thu gom để vận chuyển đến các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt thuận tiện theo các trục đường quốc lộ và đường tỉnh.
Vùng 1: Phía Bắc tỉnh sẽ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã Hoài Nhơn tiếp nhận lượng rác thải của thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ; Vùng 2: Phía Tây tỉnh đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Tây Sơn xử lý rác thải huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh; Vùng 3: Phía Nam tỉnh đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn) để xử lý rác thải của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát. Chất thải công nghiệp thông thưởng được tập trung thu gom cùng chất thải rắn sinh hoạt theo các vùng đã phân chia, chất thải rắn nguy hại được phân loại riêng và vận chuyển chuyên dụng về cơ sở chuyên xử lý chất thải nguy hại.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã xác định: Xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng: 01 khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn công suất: 8.000 tấn/ngày, quy mô khoảng 61 ha; 01 khu xử lý chất thải rắn xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, công suất: 1.500 tấn/ngày, quy mô khoảng 30 - 70 ha; khu xử lý chất thải rắn đô thị Hoài Nhơn, công suất: 400-500 tấn/ngày, quy mô khoảng 15-20 ha.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn gồm: Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Khu xử lý CTR Long Mỹ (xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn) thực hiện phân loại làm phân, tái chế bao bì nhựa... Diện tích 4,33 ha, công suất xử lý 700 tấn/ngày (chia làm 02 giai đoạn); Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Bãi chôn lấp CTR thị xã An Nhơn (thị xã An Nhơn), phân loại, làm phân, tái chế bao bì nhựa... Diện tích 4,43 ha, công suất xử lý 150 tấn/ngày (chia làm 02 giai đoạn); Bãi xử lý rác tạm thời tại xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh với diện tích 3,25 ha, công suất xử lý 7,1 tấn/ngày.
Mở rộng bãi chôn lấp chất thải rắn huyện Phù Cát (huyện Phù Cát) Diện tích 3,24 ha, công suất xử lý 38,6 tấn/ngày; Lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn; Khu số 1: Khu xử lý CTR Long Mỹ (dự án đã được phê duyệt) phục vụ cho việc xử lý CTR của thành phố Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) với công nghệ xử lý bao gồm chôn lấp hợp vệ sinh và sản xuất phân vi sinh, quy mô 61 ha; Khu số 2: Khu xử lý phía Nam Núi Bà (khu liên hợp xử lý CTR lớn nhất của tỉnh xử lý toàn bộ lượng CTR công nghiệp (cần xử lý), CTR vô cơ cần tái chế của cả tỉnh (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát); Khu số 3: Thuộc đô thị Hoài Nhơn (thị xã Hoài Nhơn) thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh CTR hữu cơ, tái chế CTR vô cơ, lò đốt CTR y tế, quy mô 10-20 ha...
Thời gian tới, mỗi huyện dự kiến xây dựng 1-2 khu xử lý CTR theo công nghệ tiên tiến, hợp vệ sinh. Trong đó, Khu xử lý CTR Nhơn Thọ (xã Nhơn Thọ, An Nhơn) thực hiện phân loại tái chế, tái sử dụng; Sản xuất phân compost, phân loại CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp không nguy hại làm nguyên liệu cho sản xuất điện rác. Quy mô 15- 20 ha; Khu xử lý CTR Cát Hiệp (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) thời gian đầu áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chuyển dần đầu tư công nghệ tổng hợp phân loại – tái chế, tái sử dụng – điện rác – sản xuất phân compost trong nhà máy xử lý CTR liên vùng. Quy mô 5-8 ha.
Khu xử lý CTR Canh Hiệp (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) thời gian đầu áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chuyển dần đầu tư công nghệ tổng hợp phân loại – tái chế, tái sử dụng – điện rác – sản xuất phân compost trong nhà máy xử lý CTR liên vùng. Quy mô 5-7 ha; Khu xử lý CTR tại Khu vực thôn Diêu Tường (xã Tường Đông, huyện Hoài Ân) thời gian đầu áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chuyển dần đầu tư công nghệ tổng hợp phân loại – tái chế, tái sử dụng –điện rác – sản xuất phân compost trong nhà máy xử lý CTR liên vùng. Quy mô 3-5 ha... Đề xuất xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Ngoài vị trí bãi chôn lấp hiện hữu, đề xuất thêm 3 vị trí mới phía Nam, phía Bắc và phía Tây tỉnh...
Ngoài ra, thời gian qua tỉnh Bình Định chú trọng phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh và tăng cường tái chế, tái sử dụng; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý CTR cũng như ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát triển ngành công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn chất thải.
Nguồn:Bình Định hoàn thiện hạ tầng, phát triển các khu xử lý chất thải