Bình Định nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố 4 quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Qua đó, trữ lượng các loại khoáng sản đủ để khai thác, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Hiện trên địa bàn tỉnh có 138 giấy phép khai thác khoáng sản (GPKTKS) còn hiệu lực, hoạt động tập trung 4 loại chính là đá xây dựng; đá khối làm đá ốp lát; cát xây dựng và đất san lấp.
Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản; 14 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 27 GPKTKS; 20 quyết định gia hạn khai thác; 11 quyết định điều chỉnh, bổ sung GPKTKS; 2 giấy phép chuyển nhượng quyền KTKS. Ngoài ra, UBND tỉnh cấp 20 bản xác nhận đăng ký khu vực, công suất khối lượng mỏ vật liệu cho các nhà thầu phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản tuân thủ Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng bổ sung tiêu chí đấu giá quyền khai thác khoáng sản. |
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Bình Định có tổng cộng 51 mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) đưa ra đấu giá, trong đó đã đấu giá thành công 44 mỏ với tổng số tiền trúng đấu giá là 53,825 tỷ đồng. Hằng năm, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các địa phương, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện nơi có mỏ khoáng sản khảo sát, kiểm tra các khu vực mỏ dự kiến đấu giá. Sau đó, tổng hợp, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; triển khai đấu giá và cấp phép hoạt động khoáng sản.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương có mỏ khoáng sản xác định giá khởi điểm (bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); bước giá (bằng 10% giá khởi điểm) và tiền đặt trước (bằng 15% giá khởi điểm). Đồng thời, đăng tải công khai trên cổng thông tin của các cơ quan thông tin, truyền thông; trang thông tin Sở TN&MT để lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tránh đầu cơ vật liệu, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng bổ sung tiêu chí đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thời gian qua, Sở TN&MT đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải cam kết bằng văn bản việc khai thác, sử dụng khoáng sản. Đối với các mỏ đất, mỏ cát xây dựng, yêu cầu doanh nghiệp cam kết khai thác khoáng sản trong thời hạn không quá 2 năm kể từ ngày cấp phép; không xem xét gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản khi quá thời gian khai thác; cam kết sử dụng khoáng sản phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời cam kết khai thác tuân thủ đúng quy định pháp luật về khoáng sản theo dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế và đánh giá tác động môi trường. Đối với các mỏ sét, yêu cầu cam kết phục vụ nguyên liệu nhà máy sản xuất gạch đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trong thành phần hồ sơ bán ra và nộp tham gia đấu giá của các doanh nghiệp phải có ít nhất 3 cam kết: Cam kết khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước đưa ra mời đấu giá; Cam kết sau khi trúng đấu giá tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có); Cam kết hoàn trả chi phí thăm dò (đối với các mỏ đã thăm dò).
Về công tác hậu kiểm, tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra sau cấp phép. Hằng năm, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Cục Khoáng sản Việt Nam cũng tăng cường công tác kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện sai sót, hướng dẫn, điều chỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có những chỉ đạo về tăng cường hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ thường xuyên theo dõi camera giám sát được kết nối từ khu vực khai thác của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn từ xa và xử lý nghiêm, kiên quyết theo quy định pháp luật đối với các trường hợp khai thác không đúng quy định.
Khẩn trương thành lập Tổ Kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn (trong đó, Tổ trưởng là Lãnh đạo UBND cấp huyện), xây dựng Kế hoạch kiểm tra chi tiết, kết quả xử lý cụ thể các trường hợp vi phạm. Định kỳ hàng tháng, tổ chức kiểm tra trách nhiệm của Lãnh đạo UBND cấp xã liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (nếu có) theo quy định. Trước ngày 25 hằng tháng, gửi báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn và nội dung thực hiện các nhiệm vụ nêu trên cho UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp) và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của UBND cấp huyện.
Các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. |
Đối với Ban Quản lý dự án của tỉnh (chủ đầu tư), Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thẩm tra nguồn gốc các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách ngay từ ban đầu đến khi kết thúc công trình và thanh quyết toán; nghiêm túc thực hiện việc không thanh, quyết toán đối với khối lượng khoáng sản không có các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu thực hiện không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khẩn trương hoàn thành hệ thống camera thông minh (có chức năng đếm tổng số lượt xe), thiết bị quẹt thẻ xe ra vào khu vực khai thác và xe vận chuyển khoáng sản vật liệu xây dựng thi công công trình; thực hiện nghiêm biện pháp kiểm đếm, giám sát số lượng xe vận chuyển, khối lượng khai thác vật liệu xây dựng thi công công trình, đảm bảo việc sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đúng theo mục đích, đúng mỏ, đúng cự ly vận chuyển phục vụ thi công công trình, dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Định kỳ vào ngày thứ 6 hàng tuần, gửi báo cáo số liệu cập nhật cụ thể nhu cầu khối lượng khoáng sản vật liệu xây dựng của dự án, trữ lượng đã được cấp có thẩm quyền cấp phép, khối lượng đã khai thác, khối lượng còn thiếu... và các nội dung khác liên quan cho Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm cung cấp thông tin các mỏ khoáng sản đang còn hoạt động (nêu rõ diện tích, thời gian, trữ lượng, mục đích khai thác…) cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo quy định. Tổ chức rà soát, thực hiện chặt chẽ các quy trình, thủ tục cấp phép khai thác theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các nội dung liên quan đến công tác tham mưu, đề xuất việc cấp phép khai thác mỏ khoáng sản.
Cục Thuế tỉnh tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm soát sản lượng khai thác hằng quý, hằng năm của các doanh nghiệp, kiểm tra, đối chiếu khối lượng khoáng sản do doanh nghiệp kê khai để tính các loại phí, thuế với khối lượng khai thác thực tế ở mỏ phù hợp với bản đồ hiện trạng mỏ. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để kiểm tra, phát hiện, xử lý và truy thu các loại phí, thuế do các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.../.
Nguồn: Bình Định nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản