Bình Định: Nhiều chuyển biến tích cực về môi trường - Kỳ 1
Kỳ 1: Tác động mạnh mẽ, toàn diện
Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong nghị quyết được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tích cực.
Đồng bộ, hiệu quả cao
Ngay sau khi Nghị quyết số 03 và Kế hoạch số 35 được ban hành, các địa phương trong tỉnh đã có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể cho từng nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT). Đặc biệt, công tác tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đơn cử, TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát đã ban hành chương trình hành động của thành ủy, huyện ủy để thực hiện Nghị quyết số 03. Tất cả UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động của cấp mình. Để tăng cường thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch hành động, 6/11 địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo và 2 địa phương (TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn) thành lập thêm tổ kiểm tra tình hình thực hiện nghị quyết và kế hoạch.
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT), nhìn nhận: “Việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 03 đã góp phần xây dựng Bình Định trở thành tỉnh có môi trường sinh thái khá tốt, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với BVMT. Ý thức, trách nhiệm của công dân về BVMT và sống thân thiện với thiên nhiên đã nâng lên”.
UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) phát động phong trào ra quân trồng cây xanh, tạo cảnh quan tại các tuyến đường liên thôn, xã. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Nhiều dấu ấn đậm nét
Đảng ủy Công ty CP Môi trường Bình Định là đơn vị tiêu biểu trong triển khai khá đồng bộ các giải pháp lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 03, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thu gom rác thải; từ đó, góp phần giúp Quy Nhơn đạt danh hiệu Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020 - 2022.
Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT đã tiếp nhận và phối hợp với các địa phương giải quyết 25/29 vụ việc phản ánh qua đường dây nóng về môi trường của Bộ TN&MT. Đối với đường dây nóng cấp tỉnh, số vụ việc tiếp nhận từ năm 2017 đến nay là 45 vụ, trong đó 30 vụ đã được kiểm tra, giải quyết dứt điểm, một số vụ việc còn lại đang trong quá trình thụ lý. Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra Sở TN&MT đã ban hành 61 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, với số tiền phạt gần 6,9 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường Bình Định, cho biết: Cán bộ, nhân viên Công ty đã đưa ra nhiều sáng kiến, mô hình hay và các hoạt động nổi bật. Trong đó, có nâng cao mô hình tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải TP Quy Nhơn; mô hình “Vệ sinh môi trường cơ động” hoạt động theo phương thức công nhân vừa vệ sinh môi trường, vừa tuyên truyền mọi người nâng cao ý thức BVMT, không xả rác bừa bãi...
Các chi, đảng bộ, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh bằng những phần việc cụ thể cũng đã triển khai nhiều mô hình gắn với cách làm sáng tạo, nâng cao vai trò của người dân trong tuân thủ Luật BVMT. Ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), 7/7 thôn với gần 2.700 hộ đã đăng ký thu gom rác thải định kỳ (2 lần/ tuần) với Ban quản lý Nước sạch và Vệ sinh môi trường huyện. Đồng thời, xã lắp đặt 210 bể bê tông chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở nhiều cánh đồng trên 7 thôn; xây dựng nhà lưu chứa bao bì thuốc BVTV tại thôn Tân Hội; hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV; xây dựng 3 mô hình “Tổ tự quản BVMT” để thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao…
Chi bộ thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng) được coi là tổ chức đảng đi đầu trong lãnh đạo công tác BVMT bằng cách xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc nêu gương. Bà Nguyễn Thị Châu, Bí thư Chi bộ thôn Biểu Chánh, cho hay: “Chi ủy phân công từng đảng viên phụ trách hộ gia đình, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu cho chi ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Nhờ đó, nhân dân địa phương tích cực tham gia mô hình thu gom rác thải; trồng hoa trên các tuyến đường, làm sạch môi trường, đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp”.
Hoàn thành việc rút tên ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường đối với bãi chôn lấp rác thải Trường Xuân (phường Tam Quan Bắc) và chấm dứt hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư tại phường Hoài Hảo là hai trong nhiều kết quả nổi bật của TX Hoài Nhơn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 và Kế hoạch số 35. Không chỉ vậy, Hoài Nhơn còn thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh”, “Ngày Chủ nhật xây dựng TX Hoài Nhơn xanh, sạch, đẹp”. Nhờ vậy, đến nay, địa phương có nhiều con đường hoa, cây xanh.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, nhấn mạnh: “UBND thị xã đã kịp thời phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 03 và Kế hoạch số 35 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhờ vậy, ý thức và trách nhiệm BVMT trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân đã nâng lên. Đến cuối năm 2021, thị xã có 90 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh”; hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, ổn định…
Cán bộ UBND xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) hướng dẫn hộ dân phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Phòng TN&MT TX Hoài Nhơn |
Thay đổi nhận thức rõ rệt
Công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm tại các cụm công nghiệp, làng nghề, khu chăn nuôi tập trung đã được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Công tác quan trắc, đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường hằng năm được thực hiện đồng bộ. Nhờ vậy, chất lượng môi trường của tỉnh ở mức tốt. Công tác bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng thực hiện, nên tính đa dạng sinh học và các nguồn gen quý hiếm tại một số khu vực, như: Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn, đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ… được gìn giữ.
Bên cạnh đó, tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, TX An Nhơn, Hoài Nhơn đến nay đã có 100% số xã tổ chức hoạt động thu gom rác thải. Tại nhiều khu vực đô thị đã trang bị các thùng rác và nhà vệ sinh công cộng, nhất là ở điểm du lịch, chợ, bến xe, trường học, bệnh viện…, góp phần tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho hay: “Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, nhận thức về công tác BVMT của các cấp, ngành và cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Điểm đáng ghi nhận, đó là trong giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn tỉnh không phát sinh các điểm nóng, sự cố về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hạ tầng thu gom và xử lý chất thải ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên cần được quan tâm nhiều hơn”.
Nguồn: Nhiều chuyển biến tích cực về môi trường - Kỳ 1
Kỳ cuối: Nỗ lực cho chặng đường tiếp theo