Bình Định: Quyết tâm tạo dựng nông thôn mới đáng sống
Từ ngày 13 - 20.9, Đoàn đã giám sát các xã: Nhơn Lộc, Nhơn An (TX An Nhơn), Phước Nghĩa, Phước Quang (huyện Tuy Phước), Cát Hanh (huyện Phù Cát), Mỹ Quang, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), Bình Tường (huyện Tây Sơn), Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Thông qua việc hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đang nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy thay đổi toàn diện bộ mặt KT-XH khu vực nông thôn.
Một góc xã Nhơn Hải sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: N.M |
Tại xã Cát Hanh, đến nay, địa phương tự đánh giá đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Với tiêu chí Văn hóa, địa phương xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã với các phòng chức năng, trang thiết bị khánh tiết, âm thanh đầy đủ. Hằng năm, xã đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; trong 3 năm qua, đã có 2 giải bóng đá, 3 giải bóng chuyền, 3 đêm giao lưu văn nghệ. 11/11 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đều được xây dựng khang trang, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
“Trong năm 2022, UBND xã đã lắp đặt các dụng cụ TDTT ngoài trời tại nhà văn hóa xã và 8 nhà văn hóa thôn với kinh phí 255 triệu đồng; sẽ tiếp tục lắp đặt đối với các nhà văn hóa thôn còn lại nhằm đảm bảo tỷ lệ lắp đặt 100% các điểm sinh hoạt công cộng. Với tiêu chí TT&TT, trong đó có chỉ tiêu “có mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng”, đến nay, xã đã lắp 13 điểm phát wifi miễn phí”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa. Xã Nhơn Hải đã thành lập các Tổ vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn. 1.317 hộ dân đều có 3 thùng rác trong nhà. Lượng rác thải tái chế được tổ ve chai của xã thu mua hằng ngày; các hội, đoàn thể tham gia kế hoạch tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa trong cuộc sống.
“Rác thải trên địa bàn xã được thu gom từ 2 - 6 giờ mỗi ngày. 17 giờ hằng ngày, các tổ vận động nhân dân đặt 2 thùng rác xanh, vàng tại 40 điểm trên địa bàn để người dân tập trung rác cho công ty thu gom. Để hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn được đảm bảo, xã đã kiến nghị thành phố chỉ đạo, đảm bảo mỗi ngày, công ty thu gom phải có 2 xe rác để chở các loại rác đã phân loại. Đến nay, người dân đã quen dần với nền nếp này”, ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, thông tin.
Trước câu hỏi về biện pháp xử lý đối với 7 nhà hàng bè nổi hoạt động tự phát có nguy cơ ảnh hưởng đến rạn san hô, hệ sinh thái tự nhiên và gây mất vệ sinh môi trường biển của thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo UBND xã Nhơn Hải cho biết thêm: Xã đã lập biên bản, tiến hành đình chỉ hoạt động của các nhà hàng bè nổi tự phát. Tiếp tục làm việc với các hộ kinh doanh bè nổi, thông tin rõ về chủ trương, đề nghị họ chuyển nghề trong thời gian tới. Xã cũng đã kiến nghị UBND TP Quy Nhơn nghiên cứu để có thể triển khai hình thức nhà hàng bè nổi mà vẫn đảm bảo tính bền vững cho môi trường; bởi đây là loại hình du lịch thu hút lượng du khách lớn khi đến Nhơn Hải.
“Vừa đi vừa dò đường”
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, các xã “về đích” NTM nâng cao phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 và tăng 26 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước. Điều này đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các địa phương.
Ông Lê Công Trình, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hải, cho rằng: “Chính vì những điểm mới trong bộ tiêu chí, sự khác biệt so với mọi năm nên các địa phương đăng ký kế hoạch đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 “vừa đi vừa dò đường”. Các hướng dẫn cụ thể của bộ, ngành cũng có phần chậm nên các địa phương lúng túng, phải gấp rút ở những tháng cuối năm. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng như các địa phương khác, chúng tôi quyết tâm hoàn thành theo kế hoạch thành phố, tỉnh đã giao”.
Qua khảo sát, phần lớn các địa phương đều gặp khó ở một số tiêu chí về quy hoạch, y tế, môi trường… Trong đó, tiêu chí về y tế làm các địa phương lúng túng với các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử.
Thành viên đoàn giám sát cũng lưu ý các xã tiếp cận với các khái niệm mới trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao; bổ sung định lượng đối với một số chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu thuộc tiêu chí về môi trường; bám sát hướng dẫn của các sở, ngành để đảm bảo các cơ sở, hồ sơ minh chứng…
“Trên cơ sở lắng nghe kiến nghị, đề xuất chính đáng của các địa phương, ghi nhận tồn tại, hạn chế, đoàn giám sát sẽ có báo cáo kiến nghị ngành chức năng xem xét, hỗ trợ, tiếp sức để các địa phương hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, dựa trên góp ý của đoàn giám sát, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, có phân công, giám sát việc thực hiện định kỳ hằng tuần để đảm bảo hiện thực hóa quyết tâm chính trị hoàn thành xây dựng NTM nâng cao”, ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn, nhấn mạnh.
Nguồn: Quyết tâm tạo dựng nông thôn mới đáng sống