Bình Định sẵn sàng nguồn lực và phương án ứng phó với thiên tai
Ðó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 2/7.
Tại hội nghị, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Bình Định thông tin: Năm 2023, có 4 thuyền viên chết và mất tích do ảnh hưởng bão và không khí lạnh trên biển; 1 người chết do nước lũ cuốn trôi. Bão, lũ còn làm sạt lở, hư hỏng nặng nhiều đê kè, đường giao thông. Đầu năm 2024 đến nay, Bình Định tiếp tục ảnh hưởng hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình năm ngoái từ 0,6 - 1,2 độ C; nắng nóng đang tiếp diễn, kéo dài đến nửa đầu tháng 9.2024. Dự báo năm nay tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1 - 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới...
TX Hoài Nhơn có 2.312 tàu cá, trong đó 2.136 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động ở vùng biển xa. Ngoài ra, có khoảng 100 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản ở vùng lộng, vùng biển ven bờ. Do đó, công tác quản lý, sắp xếp tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Tam Quan, cửa biển và công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân di dời tránh trú khi có thời tiết nguy hiểm trên biển luôn được quan tâm.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho biết: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS thị xã đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi, quản lý tàu cá khi hoạt động trên biển. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý Cảng cá và dịch vụ đô thị thị xã phân luồng neo đậu, hướng dẫn các chủ tàu chằng buộc tàu chắc chắn, giảm va đập khi có bão đổ bộ; tuyệt đối không cho lao động ở lại trên tàu khi có bão xảy ra… Khi có thời tiết xấu hoặc ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối không làm thủ tục xuất bến, mà phải thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú, tránh hoặc di chuyển ra khỏi vùng biển nguy hiểm...
Tuy Phước cũng là huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt và sạt lở đê sông, sạt lở núi. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước cho hay: Qua khảo sát và đánh giá, địa bàn xuất hiện 3 điểm sạt lở núi có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh là khu vực núi Hóc Công (xã Phước Thành), núi Hòn Vồ (xã Phước An) và khu vực núi Kỳ Sơn (xã Phước Sơn). Các xã khu Đông cũng thường xuyên bị nước lũ chia cắt, cô lập dài ngày trong mùa mưa lũ. Do đó, để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện đã chỉ đạo các xã rà soát những khu dân cư thường xuyên bị nước lũ chia cắt, cô lập và ngập sâu để có phương án sơ tán dân, trong đó ưu tiên di dời đến những nhà gần kề cao tầng kiên cố, an toàn…
Huyện Tuy Phước cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực PCTT cho cán bộ các cơ quan, xã, thị trấn, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai. Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, chia sẻ: Địa phương duy trì lực lượng xung kích PCTT với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, Hội CTĐ, Đoàn Thanh niên... Khi có bão, lũ xảy ra, chính quyền sẽ kích hoạt các tổ xung kích tham gia vào công tác hỗ trợ di dời, sơ tán dân; cắm chốt lực lượng hướng dẫn, cảnh báo nhân dân đi lại ở những điểm ngập sâu hoặc nước lũ chảy xiết…
Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình bão, lũ… tiếp tục diễn biến khó lường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần sẵn sàng các nguồn lực, phương án ứng phó với thiên tai; đặc biệt phải huy động mọi phương tiện, nhân lực để đảm bảo an toàn về người, tài sản, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn công trình, giao thông, thông tin liên lạc và các hoạt động của đời sống người dân thông suốt.
Đi vào trọng tâm từng giải pháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần bổ sung, kiện toàn ngay Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS cấp huyện; đồng thời rà soát kế hoạch PCTT-TKCN&PTDS cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng đến kế hoạch năm 2024, với các mục việc quan trọng, như: Rà soát, khảo sát thực tế các vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng bởi triều cường, sạt lở núi, lũ quét để xây dựng cụ thể phương án phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện cần chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS cấp xã xây dựng chi tiết kế hoạch PCTT-TKCN&PTDS. Trong đó, chú ý đến 3 vấn đề cốt yếu: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch mùa màng, chằng chống nhà cửa; củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở đất, ngập sâu và tham gia giải tỏa vật cản, thông thoáng dòng chảy trên sông, dưới lòng cầu cống…
Các LLVT tỉnh (Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, CA tỉnh) cần rà soát phương tiện, trang thiết bị và hậu cần để ứng phó thiên tai và TKCN. Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai trên đất liền, trên sông và triển biển cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng phương án sơ tán dân khi có bão, lũ lớn và sạt lở đất.
Ông Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT của ngành mình, đơn vị mình cho phù hợp để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai.
Đài Khí tượng thủy văn Bình Định tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm kịp thời, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh chỉ đạo công tác PCTT và thông tin đến người dân chủ động ứng phó.
Nguồn: Bình Định sẵn sàng nguồn lực và phương án ứng phó với thiên tai