Bình Định: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Chủ động, chung tay cùng tìm giải pháp
Bình Định: Hợp tác quản lý tài nguyên nước tổng hợp lưu vực sông Côn Bình Định: Cảng Quy Nhơn vượt khó, đổi mới, sáng tạo |
Trước thực tế đó, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) phối hợp với các sở, ngành và địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chủ động, chung tay cùng tìm giải pháp.
Nhiều khó khăn khi áp dụng Bộ tiêu chí mới
Năm 2022, TX An Nhơn có 2 xã đăng ký về đích NTM nâng cao. So với giai đoạn trước, giai đoạn này các xã đăng ký về đích NTM nâng cao phải hoàn thiện 19 tiêu chí/75 chỉ tiêu (tăng hơn 6 tiêu chí so với giai đoạn trước, cùng với đó khối lượng đầu việc cũng tăng thêm nhiều hơn). Theo đánh giá của Phòng Kinh tế TX An Nhơn - đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, không chỉ tăng số lượng tiêu chí mà điều kiện để đạt từng tiêu chí cũng chi tiết và khó hơn. Ví dụ ở tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, có yêu cầu ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã số vùng trồng. Hay ở tiêu chí số 14 về y tế, yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa trên 40% dân số địa phương, tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử trên 70%…
Xây dựng vùng trồng nguyên liệu và phát triển sản phẩm OCOP là một trong những tiêu chí của NTM giai đoạn 2021 - 2025. - Trong ảnh: Vùng trồng nguyên liệu nha đam - một trong những sản phẩm đăng ký OCOP năm 2023 của An Nhơn. Ảnh: THU DỊU |
“Thêm nữa, kế hoạch thực hiện trong năm 2022, song mãi đến tháng 8.2022 các bộ, ngành trung ương mới ban hành kế hoạch, do vậy thời gian triển khai thực tế còn rất ít!”, ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn trao đổi tại Hội thảo giải pháp XDNTM giai đoạn 2021 - 2025.
Tương tự, huyện Tây Sơn đặt mục tiêu xây dựng xã Bình Tường đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022; xã Vĩnh An đạt chuẩn NTM trong năm 2023 và phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu, cả hệ thống chính trị huyện Tây Sơn cùng vào cuộc. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, có bắt tay vào thực hiện mới thấy nhiều lúng túng. Ví dụ như vấn đề chuyển đổi số, khám bệnh từ xa, sổ khám bệnh điện tử… đều là những vấn đề rất mới, tỉnh ta còn đang triển khai ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí này có tầm nhìn tới năm 2030, nghĩa là chúng ta có một thời gian vừa làm vừa hoàn thiện, đảm bảo sau khi đạt mục tiêu về đích NTM tạo dựng được nền móng vững chắc để phát triển KT-XH ở địa phương. Do vậy, Tây Sơn mong muốn được Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh và các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể để có thể sớm hoàn thành các tiêu chí mới và khó.
Chung tay tìm giải pháp thực hiện
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, năm 2022 toàn tỉnh có 6 xã đăng ký về đích NTM và 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ở giai đoạn này, các xã đăng ký về đích NTM đều có xuất phát điểm rất thấp. Song, tất cả đều quyết tâm đến hết năm 2022 sẽ về đích đúng kế hoạch đề ra. Riêng với các xã đăng ký về đích NTM nâng cao, đến nay qua rà soát chỉ có 4/10 xã cơ bản đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM, cho hay, giai đoạn này cũng giống lúc mới bắt đầu triển khai XDNTM, lúng túng là điều khó tránh khỏi. Song xét về lâu dài, ta có một quá trình thực hiện nâng cấp các tiêu chí phù hợp với tầm nhìn tới năm 2030, đủ thời gian để thực hiện. Bên cạnh đó, thuận lợi lớn là giờ đây Chương trình XDNTM được người dân ủng hộ, có cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do vậy, vướng ở tiêu chí nào ta cùng nhau tháo gỡ ở tiêu chí đó; liên quan đến sở, ngành nào thì sở, ngành đó chủ động, chung tay cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, Sở Y tế sẽ hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông về hoạt động khám chữa bệnh từ xa, sổ khám bệnh điện tử bằng việc triển khai tập huấn, truyền thông để người dân hiểu và cùng thực hiện. Với tiêu chí môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) xây dựng các mô hình về xử lý rác, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng và tái chế rác...
Theo ông Hùng, năm nay do nhiều nguyên nhân nên việc ban hành kế hoạch thực hiện chậm từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, trước mắt Văn phòng điều phối tổng hợp các ý kiến và làm báo cáo trình Ban chỉ đạo tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện, khắc phục. Đồng thời, xúc tiến thành lập đầu mối liên hệ ở các sở, ngành đơn vị để triển khai công tác hỗ trợ các địa phương.