Bình Định: Tiếng lòng Trà Ổ
Bình Định: Nhơn Hải Làng chài thức giấc Bình Định: Check-in bãi đá rêu biển ở Nhơn Hải |
Đầm Trà Ổ. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH |
Không gian nơi diễn ra buổi lễ được trang hoàng rất đẹp với nhiều băng rôn, khẩu hiệu, chỉ một lúc thôi các em học sinh và các đại biểu đã tập trung thành hàng thẳng thớm trên sân; ai cũng nghiêm trang và háo hức chờ đợi. Tôi kín đáo quan sát gương mặt những người đi dự lễ và lòng chợt nhen lên niềm vui nho nhỏ bởi trông ai cũng giản dị, chân thành và hồn hậu. Mọi việc diễn ra rất nhanh và tôi xuống thuyền để đi thả cá (trắm, trê, mè, chép và rô ta…) xuống đầm.
Đó là một chiếc thuyền nhỏ, dài chắc tầm 6 m, rộng khoảng 1,2 m. Thuyền nhẹ lướt trên mặt đầm êm ả bao la. Đầm Trà Ổ rộng khoảng 1.200 ha vào mùa mưa, vào mùa khô đầm khoảng 600 ha. Trời còn tinh mơ cảnh vật nơi đây đẹp và bình yên đầy vẻ huyền hoặc cổ tích. Những bờ sen rì rào trong gió sớm. Chừng như để những người khách lạ có thêm thời gian ngoạn cảnh, người chống thuyền hãm đà lao tới để thuyền nhè nhẹ trôi giữa hương sen ngào ngạt.
Mặt trời lên cao hơn, không gian chuyển dần từ màu vàng cam huyền ảo sang màu xanh lộng lẫy trời nước mênh mông. Hết thảy những người đi trên thuyền đều im lặng như để tận hưởng, như muốn uống trọn trời nước xanh thẳm khôn cùng. Chỉ còn tiếng sào cắm xuống mặt đầm, tiếng gió reo qua bờ sen rì rào, tiếng cá quẫy và đâu đó tiếng người vang vọng gọi nhau trên mặt đầm. Ai cũng muốn lưu lại thật lâu những khoảnh khắc kỳ diệu này… Nhưng đã đến lúc làm nhiệm vụ!
Đầm Trà Ổ rất gần biển, nói cách khác ngày trước đầm thông với biển nên có nhiều loài đặc hữu như chình mun, lươn, rạm, cá bống, tôm đất… Tôi có một người thầy từng dạy ở Trường ĐH Nha Trang, nhà thầy ở phía Nam đầm Trà Ổ (thuộc xã Mỹ Lợi). Theo lời thầy tôi kể, ngày trong đầm có nhiều cỏ (rong) nguồn lợi tôm cá ở đầm phong phú, đa dạng lắm; rạm phổ biến to gần bằng bàn tay người lớn; tôm, cá, cua, lươn nhiều vô kể. Đầm còn thông với biển qua cửa Hà Ra, nên ở đầm có một loài thủy sản đặc hữu, quý hiếm là chình mun. Cùng với đó là nhiều loài có giá trị kinh tế cao khác như chình bông, cá mòi cờ chấm, cá măng sữa, cá còm… Vào những đêm tối trời dân ngụ ở ven đầm thường xách đèn măng sông đi soi cá. Ngư cụ đánh bắt thủy sản lúc đó rất thô sơ, chỉ có lưới cước, nò sáo, giẹp… Mùa mưa ở đây bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, nhiều loại cá theo dòng nước đi lên, như cá lóc, cá trê và cả cá chép. Những con cá lạc lối thì lên những bãi cỏ, những đám ruộng... Thế là tụi nhỏ chỉ việc ra những nơi này… lượm chúng mang về nhà. Cuộc sống của người ven đâm êm ả, không giàu có nhưng vô cùng vui vẻ và hạnh phúc.
Chính vì niềm hạnh phúc ấy cậu bé con ở vùng ven đầm này nuôi mộng làm việc ở ngành thủy sản. Và có lẽ nhờ tình yêu sông nước và các loài thủy sản từng nuôi dưỡng mơ ước thủơ bé thơ, cậu ta đã trở thành giảng viên của Trường ĐH Nha Trang. Tôi may mắn quen biết thầy khi thầy về làm tư vấn cho dự án nguồn lợi ven bờ cho tỉnh Bình Định. Chính dự án này đã góp phần xây dựng nên các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các xã/phường ven đầm, ven biển trong đó có Trà Ổ. Thỉnh thoảng khi trò chuyện về việc phục hồi và làm giàu tài nguyên những vùng sông nước quê hương xứ Nẫu, bao giờ giọng thầy cũng vừa sôi nổi vừa tha thiết hơn. Tôi hiểu thầy tôi đang trở về với thời thơ ấu.
Thống kê cho biết sinh kế của 650 hộ dân ở các xã ven đầm gồm Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng gắn bó máu thịt với đầm Trà Ổ. Bên cạnh việc khai thác cá, tôm, cua, ốc… bà con còn trồng sen, nuôi vịt trên đầm. Cá, tôm, rạm ở đây thịt chắc, thơm và ngọt. Các món ăn từ đây cũng nhờ thế mà thành đặc sản nức tiếng Bình Định. Nói không hề quá là tô bún tôm, rạm Trà Ổ tuy đơn giản nhưng nó hội tụ tinh hoa đất trời, sông nước Phù Mỹ khiến du khách phải thương nhớ dù chỉ một lần thưởng thức. Và điều rất vui là một cách lặng lẽ món ăn dân dã này đang dần có mặt ở nhiều nơi: TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum...
Cũng từ đầm mọc lên Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, nhà máy này không những bổ sung nguồn năng lượng cho lưới điện quốc gia, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương và giữ gìn tài nguyên của đầm. Dưới những tấm pin là bóng mát và nhờ được bảo vệ, cá tôm quần cư về đây ngày càng nhiều. Mấy năm gần đây mô hình nuôi chình bông trong ao đất ven đầm đã thành công. Điều này càng củng cố thêm cho vấn đề sống thân thiện với hệ sinh thái thì cộng đồng dân cư ven đầm Trà Ổ càng có lợi và lợi ích này sẽ bền vững khi hiểu mình là một phần máu thịt của đầm.
Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện mới đây, thầy tôi than buồn vì nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ cạn kiệt nhanh quá, đặc biệt xưa ở đầm có những thảm cỏ mọc rất nhiều, là nơi cư trú và thức ăn của tôm cá. Cỏ mọc nhiều đến nỗi bà con đi thu hoạch cỏ đó về cho heo, gà ăn hoặc ủ làm phân bón trồng trọt. Nay thì những cánh đồng cỏ đầm đó không còn nữa. Đã vậy bà con lại sử dụng lưới lồng quá nhiều, mắt lưới nhỏ nên cá tôm bé đến cỡ nào cũng không thể thoát. Đặc biệt người ta dùng thuốc tẩy để vệ sinh lồng và lại xả thải trực tiếp xuống đầm nên không chỉ cỏ mà cả các loài thủy sản cũng khó lòng sống sót, nguồn lợi thủy sản vì thế suy giảm nhanh. 2 năm trước hạn hán khô nứt cả đáy đầm nên rong chết nhiều, không kịp phục hồi. Và chính việc nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật vô cơ ở các đồng lúa quanh đầm, nước thải xả thẳng xuống đầm cũng gây ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản. Hãy làm gì đó và thật nhanh để giữ lại đầm, thầy nhắn nhủ.
Chúng tôi đã thả cá xong. Như vừa thả xuống đầm ngàn, vạn niềm hy vọng. Con người đã được cảnh tỉnh hết sức dữ dội bằng một mùa khô hạn khốc liệt cách đây mấy năm, đó là hình ảnh có lẽ không ai có thể quên. Nhưng hình như con người ta rất mau, rất dễ quên. Việc buộc phải bỏ lờ bát quái (lưới lồng), xung điện có vẻ vẫn khó khăn, vẫn còn nhiều người vin vào lý do sinh kế quá. Nhưng nếu cứ như thế không lâu nữa đâu, bà con mình sẽ mất đầm Trà Ổ!
Tiếng sào chạm xuống mặt đầm ở lượt về nghe sao lo lắng, tiếng chim xao xác qua mặt đầm chừng như lo lắng, và tôi, một người làm việc trong ngành thủy sản thấy trách nhiệm của mình đang cồn lên, dày lên thêm.