Bình Dương thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh thái
Theo đó, Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi và phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Cụ thể, tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, dành tối thiểu 25% diện tích KCN cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung, bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động. Với vai trò trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0...
Theo tính toán, các giải pháp xanh hóa sẽ giúp hấp thụ tối thiểu hơn 2.000 tấn carbon/năm trong những năm đầu, tương đương mức phát thải của gần 500 ô tô chạy xăng hàng năm. Có thể thấy, đầu tư mới các KCN theo mô hình xanh, thông minh, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao... đang là đích đến của các “ông lớn” bất động sản KCN.
Từ yêu cầu của các nhà mua hàng toàn cầu, các nhà đầu tư KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo đó, với các dự án đầu tư mới, tiêu chuẩn đầu tư đạt được sẽ là xanh, thông minh, cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm tiêu thụ nước, giảm ô nhiễm môi trường. Với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, sẽ được các chủ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Bình Dương vẫn đang là vùng đất với nhiều hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài nước. Với nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn.
Bình Dương có nhiều lợi thế thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp tại miền Nam. |
Hiện Bình Dương có 64.333 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 699.000 tỷ đồng và 4.176 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các khu công nghiệp đã tạo ra doanh thu 117,5 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 71,5 tỷ USD; nộp ngân sách khoảng 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn đang theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nên cần phải tiếp tục nghiên cứu quy hoạch, phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cần thực hiện là 6.573 ha. Như vậy, đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần để thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609 ha, tăng 1.619 ha; tổng diện tích đất của 2 dự án khu công nghiệp chuyển tiếp và 9 dự án khu công nghiệp quy hoạch mới còn lại sẽ được thực hiện sau năm 2030 là 3.901 ha. Tầm nhìn đến năm 2050 (thời kỳ 2031 - 2050), còn 3.901 ha đất chưa đầu tư hạ tầng của các khu công nghiệp từ thời kỳ trước chuyển sang, trong thời kỳ này dự kiến tăng thêm 5 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 3.827 ha.
Bình Dương sẽ giành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh. |
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh suốt thời gian qua, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại KCN tỉnh nói riêng vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh.
Thời gian tới, các KCN chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đón nhận thêm những dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chất lượng. Cùng với đó, các KCN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển, hỗ trợ các DN, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024. Đặc biệt chú trọng các phương án hoàn thiện, phát triển hạ tầng KCN hiện đại, văn minh, góp phần vào cuộc cách mạng tăng trưởng xanh mà tỉnh Bình Dương đã đề ra.
Theo Ngân hàng Thế giới, các Khu công nghiệp sinh thái có thể được định nghĩa là các KCN được quản lý, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và cộng đồng, vì lợi ích chung liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tháng 5/2022, Việt Nam đã cam kết thúc đẩy phát triển Khu công nghiệp sinh thái, thể hiện qua việc ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Ngân hàng Thế giới đã khởi xướng một dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại các KCN được lựa chọn tại Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 5,6% trong giai đoạn 2020-2050, riêng ngành công nghiệp đã chiếm 55% mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Khí thải công nghiệp được dự báo đóng góp vào 28% tổng lượng phát thải cả nước. Theo đó, các Khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam giảm giảm 7,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính, và giảm gần 1/6 lượng tiêu thụ nước công nghiệp. Tổng nhu cầu vốn đầu tư 12,9 tỷ USD, doanh thu tiềm năng 4,9 tỷ USD hàng năm (thời gian hoàn vốn là hơn 2 năm rưỡi).
Nguồn: Bình Dương thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh thái