Bình Thuận: Nhiều hồ chứa nước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, đến năm 2024, toàn tỉnh có 40 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng, dung tích toàn bộ 441,33 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 60.367 ha. Trong đó có 18 hồ chứa nước lớn, 10 hồ chứa nước vừa và 12 hồ chứa nước nhỏ. Những năm qua, việc quản lý, khai thác hồ chứa thủy lợi tuân thủ nội dung quy định, bảo đảm công trình hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước nhất là trong mùa mưa lũ là nhiệm vụ quan trọng để hạn chế những thiệt hại do thiên tai. Ảnh: TT. |
Trước mùa mưa lũ 2024, Sở NN&PTNT cùng một số đơn vị liên quan đã kiểm tra, đánh giá bằng trực quan về hiện trạng đập, hồ chứa và các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sau mùa mưa lũ năm 2023 và trước mùa mưa lũ năm 2024. Trong số 40 hồ chứa được kiểm tra, có 16 hồ đạt kết quả đánh giá an toàn.
Riêng một số hồ chứa có kết quả đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao là hồ Bo Bo, Năm Heo, Suối Đá, Cà Giang, Sông Quao, Giếng Cỏ, Sông Dinh 3, Lâm trường Sông Dinh, Cà Giây, Sông Móng. Đơn cử, có 2 đập bị thấm là đập hồ Cà Giây và đập phụ 3 hồ Sông Quao. Ngoài ra, tình trạng biến dạng mái đập như sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu tại một số hồ khác và tuyến đường quản lý một số hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp gồm Cà Giây, Sông Móng, Suối Đá, Sông Dinh 3.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, khó khăn hiện nay là phần lớn các hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh xây dựng ở thập niên 90, trong điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật thi công, năng lực thiết kế, tài liệu phục vụ tính toán còn nhiều hạn chế. Thời gian khai thác sử dụng qua hàng chục năm, vì vậy có nhiều hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi tích nước.
Bên cạnh đó, có nhiều hồ chứa thiếu hồ sơ thu hồi đất nên khi tổ chức triển khai đầu tư cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa khó triển khai thực hiện. Mặt khác, chưa đầu tư lắp đặt trạm đo mưa đầu nguồn và hệ thống cảnh báo lũ hạ du nên khó khăn trong việc dự báo và cảnh báo lũ ở vùng hạ du khi hồ xả lũ.
Trước thực trạng này, nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi nhất là trong mùa mưa lũ, vừa qua HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước (Suối Trâm, Cà Giang, Ba Bàu, Núi Đất, Đaguiry). Theo đó, bổ sung các hạng mục sửa chữa, nâng cấp đối với 5 hồ chứa nước.
Cụ thể các hồ chứa ở Hàm Thuận Bắc gồm hồ chứa nước Suối Trâm sẽ bổ sung hạng mục tràn kết hợp cống ngầm qua đường dân sinh hạ lưu tràn xả lũ và hệ thống đèn chiếu sáng trên mặt đập. Hồ chứa nước Cà Giang bổ sung hạng mục nâng cấp đoạn đường đất hiện trạng phía hạ lưu bên trái đập bằng kết cấu bê tông xi măng với chiều dài khoảng 140 m. Hồ chứa nước Đaguiry bổ sung hạng mục gia cố bê tông xi măng mặt đường vai trái đập đấu nối với đường giao thông hiện hữu với chiều dài khoảng 106 m và hệ thống đèn chiếu sáng trên mặt đập.
Tỉnh Bình Thuận triển khai các dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. |
Riêng tại Hàm Thuận Nam có hồ chứa nước Ba Bàu sẽ được điều chỉnh, bổ sung đoạn vai trái đập sau tràn xả lũ và bổ sung gia cố mặt đường bê tông xi măng đoạn đường quản lý từ cống lấy nước kênh Bắc đến đường đi Mỹ Thạnh với chiều dài khoảng 550m và hệ thống đèn chiếu sáng trên mặt đập. Ngoài ra, hồ chứa nước Núi Đất, thị xã La Gi, bổ sung gia cố bê tông xi măng mặt đường quản lý từ vai trái đập đến nhà quản lý với chiều dài khoảng 25m và hệ thống đèn chiếu sáng trên mặt đập. Tiến độ thực hiện đến hết năm 2024.
Cùng với giải pháp trên, Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024. Theo đó, đối với các hồ chứa hiện nay bị hư hỏng, trước mắt tiến hành sửa chữa các hư hỏng như giặm vá lại mái đập tại các vị trí bị sạt lở, đắp đất hoàn trả các vị trí bị lún, sụt trên mặt đập. Tăng cường theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, lượng dòng chảy đến hồ, tình trạng hoạt động của hồ chứa trong suốt mùa mưa lũ để vận hành, điều tiết nước tại hồ cho phù hợp với diễn biến của tình hình mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình.
Đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử các thiết bị chính và thiết bị dự phòng phục vụ xả lũ, cấp nước, xả cát của các hồ chứa, đảm bảo công trình vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng lên phương án bố trí lực lượng bảo đảm đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành hồ chứa. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau khi xảy ra mưa, lũ nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý những nguy cơ gây mất an toàn cho công trình.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiến nghị các địa phương hỗ trợ công ty ngừng cấp sổ đỏ cho dân trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, từng bước xử lý, di dời các trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, đề xuất Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ chứa xuống cấp nhưng chưa có kế hoạch vốn…/.
Nguồn: Bình Thuận: Nhiều hồ chứa nước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ