Bộ Công Thương lý giải vì sao mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng?
Bộ Công Thương tìm hướng gỡ khó cho ngành da giày Trước 30/4, Bộ Công Thương trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp |
Giải pháp ngăn chặn trục lợi chính sách
Tại hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng là phù hợp, đảm bảo ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.
"Việc này không gây thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Theo Bộ trưởng, những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện, trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.
Cơ quan soạn thảo đề xuất chỉ mua điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu với giá 0 đồng. |
Thực tế, tới cuối 2022, công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Tuy nhiên, giai đoạn này xảy ra nhiều vi phạm trong phê duyệt bổ sung các dự án vào quy hoạch, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đến cuối 2020 có 7.864 MW năng lượng mặt trời mái nhà được vận hành. Con số này nâng tổng công suất nguồn năng lượng lên 16.506 MW, gấp 19 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.
Một số quy định được Bộ Công Thương tham mưu, ban hành thời điểm đó được Thanh tra Chính phủ đánh giá "dẫn tới sơ hở, bất cập, nguy cơ lợi dụng chính sách" để phát triển hệ thống công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại. Số dự án này vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư, tức được hưởng giá 8,38 cent một kWh trong 20 năm.
Lý giải chưa phù hợp với cơ chế thị trường
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách phát triển điện mặt trời hiện nay khuyến khích người dân đầu tư và phát triển điện tự sản, tự tiêu. Nhưng ngành điện lại mua với giá 0 đồng, lý giải điều này do đảm bảo hệ thống là huy động được hết nguồn lực xã hội, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần cơ chế khuyến khích mua điện mức giá ổn định với sản lượng ổn định của nhà đầu tư. Ngành điện cũng có thể tính toán phân phối, truyền tải và dự trữ pin phù hợp để huy động tối đa nguồn lực trong dân tương tự như các nước đang xây dựng các hệ thống pin tích trữ điện năng dư thừa.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường.
"Sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu", ông Việt nói và cho biết không thể bán phần dư thừa hoặc được khấu trừ vào sản lượng sử dụng sẽ là không hiệu quả, đặc biệt khu vực chênh lệch lớn về hiệu suất theo thời điểm như miền Bắc.
Trường hợp không bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, ông Nguyễn Quốc Việt đề xuất người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới.
Còn theo TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về năng lượng, tài nguyên và môi trường cho hay, cần cho phép các cá thể, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán điện lên lưới hoặc khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán. Với các hệ thống bán điện lên lưới có thể khống chế sản lượng tối đa 30% để đảm bảo hiệu quả tổng thể.
Cho phép thương mại hóa việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phù hợp với tính cung - cầu của thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Nghiên cứu phát triển cơ chế giá điện phát lên lưới theo khung giờ đối với điện mặt trời mái nhà nhằm khuyến khích việc tự đầu tư hệ thống pin lưu trữ tại chỗ.
Nghiên cứu phương án hỗ trợ phát triển hệ thống pin lưu trữ tại chỗ và các phương án kỹ thuật liên quan để nâng cao khả năng cân bằng lưới điện từ các nguồn vốn xã hội.
"Về bản chất đây là các vấn đề liên quan nhiều đến kỹ thuật, độ thông minh của hệ thống lưới điện truyền tải, khả năng truyền tải điện. Vậy nên cần những cơ chế đột phá hơn nhằm nâng cao các nguồn vốn xã hội cho việc cân bằng lưới điện", TS Tô Văn Trường nói.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tổng công suất lắp điện mái nhà tự dùng không được vượt mức phân bổ cho từng khu vực, miền. Cụ thể, tới 2030, miền Nam phát triển tối đa 1.110 MW ở phía Nam; miền Bắc là 927 MW, còn lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (560 MW).
Nguồn: Bộ trưởng Công Thương lý giải vì sao mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng?