Bộ Công Thương rút giấy phép 5 đầu mối xăng dầu: Tổng cục Hải quan muốn làm rõ
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong ngày 20/10/2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, phản hồi công văn đã gửi sang Bộ Công Thương để làm căn cứ thực hiện thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp đầu mối đang có nhu cầu nhập khẩu xăng dầu.
Dữ liệu của Hải quan cho thấy, từ 31/8 - 10/10 Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp vẫn làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu dù bị tước giấy phép. |
Trước đó, liên quan đến việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu do Thanh tra Bộ Công Thương ban hành, ngày 7/9, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3169/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về việc áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xăng dầu 1 tháng đối với 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nói trên. Nhưng đến nay, Tổng cục Hải quan chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công Thương.
Theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đến nay vẫn chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tạm đình chỉ thi hành các quyết định đối với 5 doanh nghiệp đầu mối. Vì vậy, các quyết định này vẫn có giá trị thực hiện đầy đủ và toàn diện về hình thức phạt tiền và hình thức bổ sung tước giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Trong thời gian các doanh nghiệp bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì không có đủ điều kiện nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp vẫn thực hiện nhập khẩu xăng dầu thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi “xuất nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện”, quy định tại khoản 1 điều 18 Nghị định 128/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan với hình thức xử phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục, buộc tái xuất tang vật vi phạm.
Trong trường hợp không còn tang vật thì doanh nghiệp vi phạm buộc phải nộp lại bằng tiền theo giá trị tang vật đã vi phạm.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian từ ngày 31/8 đến ngày 10/10 đã có 2 doanh nghiệp đầu mối có làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp đã đăng ký 36 tờ khai tạm nhập - tái xuất và tái xuất xăng dầu tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch, Cục Hải quan Đồng Nai. Công ty xăng dầu Hùng Hậu có đăng ký 2 tờ khai tại Chi cục Hải quan Khu vực III, Cục Hải quan Tp.HCM theo loại hình kinh doanh mặt hàng dầu.
3 doanh nghiệp thuộc diện bị thu hồi giấy phép gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương không phát sinh hoạt động nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất mặt hàng xăng dầu.
Trong văn bản gửi đến Bộ Công Thương ngày 20/10 vừa qua, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương xem xét và có ý kiến trả lời công văn công văn số 3169/TCHQ-GSQL; đồng thời cung cấp thông tin về thời điểm các doanh nghiệp này nhận được quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương hoặc quyết định xử phạt hành chính (nếu có).
Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ sử dụng các quyết định này làm căn cứ để thực hiện thông quan hàng hóa, xử phạt hành chính (nếu có) đối với các doanh nghiệp đầu mối nói trên đang chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu.
5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa bị xử phạt, bao gồm cả hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép, do các vi phạm liên quan trong quá trình thanh tra của Bộ Công Thương, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương. |
Nguồn: Bộ Công Thương rút giấy phép 5 đầu mối xăng dầu: Tổng cục Hải quan muốn làm rõ