Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì JCBC-4
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp xã giao Thứ trưởng Ngoại giao Italia |
BTNG Bùi Thanh Sơn cùng BTNG Indonesia Retno Marsudi đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam- Indonesia (JCBC-4). |
Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Bùi Ngoaị giao Thanh Sơn thăm Indonesia và đồng chủ trì JCBC-4, đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai bên vừa mở cửa trở lại sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19, là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, cùng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của nhân dân hai nước, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia (2013-2023).
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Bộ trưởng Retno Marsudi về sự đón tiếp trọng thị và chu đáo dành cho đoàn Việt Nam, nhấn mạnh việc hai bên tổ chức trực tiếp cơ chế JCBC-4 trong bối cảnh hiện nay thể hiện quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Indonesia về những thành tựu quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế- xã hội; chúc Indonesia sẽ thành công trên cương vị Chủ tịch G20 năm 2022. Đáp lại đề nghị của Bộ trưởng Retno Marsudi hỗ trợ Indonesia làm Chủ tịch ASEAN năm 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên ASEAN phối hợp chặt chẽ với Indonesia để năm ASEAN 2023 thành công tốt đẹp.
Toàn cảnh kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia. |
Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia ngày phát triển sâu rộng và hiệu quả, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (tháng 6/2013). Mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19, hai bên duy trì linh hoạt các tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp, cả trực tiếp và trực tuyến, góp phần gia tăng tin cậy và gắn kết chính trị giữa hai nước. Hợp tác kinh tế, thương mại phát triển vượt bậc. Thương mại hai chiều năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020 và vượt mục tiêu 10 tỷ USD hai bên đã đề ra trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 6,9 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.
Hợp tác an ninh-quốc phòng phát triển tích cực. Hai bên triển khai tốt Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017-2022 và duy trì đều đặn các cơ chế hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, hàng không, văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch được quan tâm thúc đẩy, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Để phát huy các kết quả đạt được thời gian qua và thúc đẩy hợp tác toàn diện thời gian tới, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; khuyến khích nối lại các hoạt động trao đổi đoàn nghệ thuật, giao lưu nhân dân, nhất là trong năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, tập trung triển khai thực hiện tốt Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017-2022; chia sẻ thông tin và phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như khủng bố, ma túy, buôn bán - vận chuyển trái phép động vật hoang dã, tội phạm công nghệ cao…
Nhằm duy trì đà tăng trưởng thương mại hiện nay và theo hướng cân bằng hơn, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD năm 2028, hai bên nhất trí thúc đẩy sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về thương mại, khoa học, kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu; tìm kiếm cơ hội mở rộng và đa dạng đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực tiềm năng như như ngư nghiệp, thủy sản, xây dựng hạ tầng, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số… Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng hai nước cần phối hợp cùng nhau ứng phó với nguy cơ thế giới khủng hoảng lương thực, đề nghị Indonesia hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại song phương trong lĩnh vực gạo cho 4 năm tới; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tạo thuận lợi để các sản phẩm Halal có xuất xứ Việt Nam được nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Indonesia.
Trao đổi Biên bản thoả thuận Kỳ họp lần thứ 4, Uỷ ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Việt Nam và Indonesia. |
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí khuyến khích các hãng hàng không tăng tần suất và xem xét mở thêm các đường bay mới kết nối các điểm đến du lịch giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác tăng cường hiểu biết, trao đổi văn hóa, thương mại, du lịch giữa các địa phương hai nước, nhất là các địa phương kết nghĩa, triển khai trao đổi sinh viên…
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp của hai nước tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, góp phần vào việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế khu vực cũng như quốc tế khác. Hai bên tái khẳng định ủng hộ duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Ngay sau kỳ họp, hai bên đã ký Biên bản thỏa thuận kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao và nhất trí kỳ họp lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2024 hoặc 2025.
Kết thúc JCBC-4, hai Bộ trưởng đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả kỳ họp.
Nguồn: Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì JCBC-4