Bóng đá Đông Nam Á: 'Nóng' cuộc đua nhập tịch
Tiền đạo Nguyễn Xuân Son ăn mừng bàn thắng vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Ảnh: INT. |
Thái Lan sẽ làm tất cả những gì có thể để nâng cao thành tích, trong khi Indonesia sa thải huấn luyện viên Shin Tae-yong, đồng thời kích hoạt kế hoạch “Hà Lan hóa” đội tuyển quốc gia. Và người Mã cũng không đứng ngoài cuộc.
Sự thật của người Thái
Sau thất bại “tâm phục, khẩu phục” trong cả 2 trận chung kết lượt đi và về ASEAN Cup 2024 dưới tay đội tuyển Việt Nam, bà Nualphan Lamsam - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan, người còn được gọi là Madam Pang cho biết sẽ làm mọi cách để nâng cao thành tích cho “Voi chiến”.
Theo đó, vị trí huấn luyện viên Masatada Ishii được bảo đảm, bởi chiến lược gia người Nhật đang thực hiện tốt trọng trách. Tuy nhiên, một mình ông Ishii không thể nâng tầm đội tuyển Thái Lan mà cần sự hỗ trợ mang tầm chiến lược.
Không chỉ bỏ lỡ cơ hội tạo kỷ lục vô địch ASEAN Cup trong 3 kỳ tổ chức liên tiếp, trước đó Thái Lan đã lên ngôi vào các năm 2020 và 2022, “Voi chiến” lần đầu thua cả 2 trận chung kết lượt đi và về giải đấu này. Những thống kê đó buộc người Thái phải hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn với nguồn lực Thái kiều và cầu thủ nhập tịch. |
Theo Madam Pang, bóng đá Thái Lan phải nhanh chóng tìm cách giải quyết xung đột tranh chấp cầu thủ giữa đội tuyển và các câu lạc bộ Thai League. Do ASEAN Cup 2024 không thuộc FIFA Days, nên nhiều câu lạc bộ không chịu nhả cầu thủ cho đội tuyển Thái Lan.
Sau thất bại của Thái Lan trước Việt Nam, tờ Siamsport (Thái Lan) bình luận: “Đừng quên rằng tập thể tại ASEAN Cup 2024 không phải là những con người tốt nhất. Đây có lẽ là đội hình B hoặc C, tuy nhiên vẫn có thể vào đến chung kết. Vào lúc này, tiêu chuẩn về nhân sự của chúng ta vẫn nhỉnh hơn các đối thủ trong khu vực”.
Tuy nhiên, truyền thông Thái Lan có lẽ đang tự “xoa dịu nỗi đau”, hoặc cố tình lờ đi thực tế, “Voi chiến” không còn vị thế lẫn sức mạnh như xưa. Những cầu thủ vắng mặt mà họ chỉ ra như Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin hay Sarach Yooyen đều ở bên kia sườn dốc của phong độ.
Đơn cử, Teerasil Dangda sinh năm 1988, đá cùng thời Công Vinh, hiện 36 tuổi. Chanathip Songkrasin sinh năm 1993 cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Đội tuyển Thái Lan đã đưa đội hình tốt nhất có thể đến ASEAN Cup 2024. Cụ thể, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan thuyết phục thành công các câu lạc bộ ở Nhật Bản và Đan Mạch để triệu tập Ekanit Panya (Urawa Red Diamonds - J League 1), Supachok Sarachat (Hokkaido Consadole Sapporo) và Nicholas Mickelson (Odense Boldklub - giải hạng Nhất Đan Mạch).
Cùng với đó, huấn luyện viên Masatada Ishii còn sở hữu những cầu thủ được cho là tài năng mới nổi hiện nay như Suphanat Mueanta, Ben Davis, Patrik Gustavsson và Jonathan Khemdee.
Nhìn lại hành trình trước trận chung kết, Thái Lan kết thúc vòng bảng với 4 trận toàn thắng. Nhưng đội bóng xứ chùa Vàng chỉ “bắt nạt” được đội yếu nhất Timor Leste bằng chiến thắng 10 - 0 ở ngày ra quân. Sau đó, “Voi chiến” đều trải qua những trận thắng rất khó khăn, nhiều lần để đối thủ vượt lên dẫn trước như Singapore, bị dẫn trước 2 bàn ngay trong hiệp 1, hay trận thắng sát nút 3 - 2 trước Campuchia.
Đến vòng bán kết, thầy trò huấn luyện viên Masatada Ishii thua 1 - 2 trên sân Philippines và thắng 2 - 1 đầy tranh cãi trong thời gian thi đấu chính thức lượt về. Trong đó, bàn mở tỷ số của Peeradon từ đường chuyền của Seksan dường như không hợp lệ, bóng đã đi hết đường biên ngang trước khi Seksan chuyền bóng cho đồng đội. Người Thái cần đến 2 hiệp phụ mới đánh bại Philippines để giành suất vào chung kết.
Trận chung kết lượt đi thể hiện rõ sự khác biệt giữa Thái Lan và Việt Nam. Nguyễn Xuân Son với tốc độ và sức mạnh càn lướt đã xé nát hàng phòng ngự Thái Lan. Nhiều tình huống, 3 cầu thủ của “Voi chiến” không thể ngăn chặn được Son đi bóng và dứt điểm. Cả 2 bàn thắng trên sân Việt Trì (Phú Thọ) đều mang dấu ấn về năng lực vượt trội của tiền đạo nhập tịch này.
Trước khi rời sân do chấn thương trong trận chung kết lượt về, Son cũng nhiều lần khiến các hậu vệ đội chủ nhà khốn khổ. Thế nên, Madam Pang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp chất lượng đội hình, từ mô hình nhập tịch cầu thủ đang phổ biến ở Đông Nam Á.
Thái Lan sẽ tích cực tìm các cầu thủ có dòng máu Thái đang thi đấu ở nước ngoài, cũng như những cầu thủ nhập tịch kiểu Nguyễn Xuân Son của Việt Nam.
Thái Lan được cho là đã thương thảo với Erik Kahl, có bố là người Thụy Điển và mẹ người Thái. Sao trẻ sinh năm 2001, đá ở vị trí hậu vệ trái này từng có thời gian khoác áo U18 Thụy Điển vào năm 2020, hiện anh thi đấu cho câu lạc bộ AGF tại giải vô địch quốc gia Đan Mạch. Erik Kahl đã có đến 20 lần ra sân ở mùa giải này, được chuyên trang Transfermarkt định giá tới 1,8 triệu euro.
Ngoài ra, tiền đạo từng thuộc biên chế đội trẻ Chelsea Jude Soonsup-Bell (sinh năm 2004). Tiền đạo cao lớn này đã chơi cho các lứa từ U15 đến U19 Anh, và có ông nội là người Thái. Đáng chú ý, Soonsup-Bell là cầu thủ ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử đội U16 Anh, chỉ kém ngôi sao Jadon Sancho. Hiện tại, tài năng 20 tuổi đang chơi cho đội hạng hai Tây Ban Nha Cordoba.
Trong đội hình dự ASEAN Cup 2024, đội tuyển Thái Lan sử dụng 6 cầu thủ có mẹ là người Thái còn bố là người nước ngoài. Những cầu thủ này gồm hậu vệ phải James Beresford, trung vệ Jonathan Khemdee, tiền vệ tấn công Benjamin Davis, hậu vệ phải Nicholas Mickelson, tiền vệ phòng ngự William Weidersjo và tiền đạo Patrik Gustavsson.
Những cầu thủ Thái kiều này đã đóng góp 8 bàn thắng cho Thái Lan ở ASEAN Cup 2024, Patrik Gustavsson ghi 4 bàn, Ben Davis 3 bàn và Nicholas Mickelson 1 lần lập công.
Patrick Kluivert ra mắt trong cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Indonesia. Ảnh: INT. |
Tăng tốc kế hoạch “Hà Lan hóa đội tuyển”
Chỉ ít ngày sau khi đội tuyển Indonesia bị loại từ vòng bảng ASEAN Cup 2024, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) chính thức sa thải huấn luyện viên Shin Tae-yong.
Tỷ phú Erick Thohir - Chủ tịch PSSI gửi đi thông điệp khá rõ ràng, đội tuyển Indonesia cần một huấn luyện viên có thể thực hiện chiến thuật, giao tiếp tốt hơn với những cầu thủ hiện có.
Ban đầu, phát biểu của người đứng đầu PSSI về tiêu chí “giao tiếp” của vị trí người cầm quân khá khó hiểu, bởi trước ASEAN Cup 2024, ông Shin có hơn 4 năm gắn bó với bóng đá xứ Vạn đảo, trải qua nhiều cấp bậc đội tuyển từ lứa U22 đến đội tuyển Indonesia. Nhưng đến khi người thay thế chiến lược gia người Hàn lộ diện thì mọi việc mới sáng tỏ.
PSSI sau khi loại Shin Tae-yong đã “trải thảm đỏ” đưa về cựu tiền đạo Hà Lan Patrick Kluivert, hợp đồng có thời hạn hai năm, kèm điều khoản gia hạn thêm hai năm.
Tại sao bóng đá Indonesia chọn Patrick Kluivert?
Khi còn thi đấu, Kluivert là một trong những tiền đạo hay nhất châu Âu giai đoạn đầu 1990 đến đầu 2000, nổi tiếng với khả năng dứt điểm, sự thông minh trong di chuyển và kỹ thuật cá nhân.
Ông sở hữu thành tích đồ sộ khi vô địch Champions League cùng Ajax năm 1995, vô địch La Liga cùng Barca và thi đấu cho những câu lạc bộ nổi tiếng như AC Milan, Newcastle, Lille, Valencia, PSV.
Ở cấp đội tuyển, Kluivert khoác áo đội tuyển Hà Lan 79 trận, ghi 40 bàn, vào bán kết World Cup 1998 và bán kết Euro 2000 - giải đấu trên sân nhà mà Kluivert ghi 5 bàn và giành giải Vua phá lưới. Sau khi giải nghệ, Kluivert làm trợ lý huấn luyện viên đội tuyển Hà Lan giai đoạn 2012 - 2014.
Với lý lịch như Kluivert, ông được nhiều đội bóng săn đón cũng không có gì lạ. Nhưng Indonesia cần Kluivert còn ở khía cạnh khác, liên quan mật thiệt đến kế hoạch “Hà Lan hóa” của bóng đá xứ Vạn đảo.
Thời gian qua, PSSI ồ ạt nhập tịch nhiều cầu thủ Hà Lan có gốc gác Indonesia. Chính sách này đem lại thành công bước đầu, khi Indonesia lần đầu vào vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á. Hiện, Indonesia đứng thứ ba bảng C với 6 điểm sau 6 trận dù phải chạm trán các đội mạnh như Nhật Bản, Australia hay Ả-rập Xê-út.
Đặc biệt, Kluivert lại có gốc Suriname, một quốc gia Nam Mỹ từng là thuộc địa của Hà Lan. Rất nhiều người Suriname có gốc gác từ Indonesia do lịch sử di cư của người Java (Indonesia) sang đây trong thế kỷ 19 và 20. Vì thế, Kluivert được yêu mến tại Indonesia và ông được chọn.
Kluivert sẽ nhận trọng trách cùng đội tuyển Indonesia giành vé World Cup 2026. Để tăng cường sức mạnh, tỷ phú Erick Thohir tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường lực lượng bằng các cầu thủ nhập tịch và trong thời gian tới, đội tuyển Indonesia sẽ có thêm 6 cầu thủ theo diện này, tất cả đều từ… Hà Lan.
Theo tờ Bola, loạt ngôi sao gốc Hà Lan như Ole Romeny, Miliano Jonathans, Tristan Gooijer, Jairo Riedewald, Pascal Struijk và Emil Audero sẽ có quốc tịch Indonesia trước dịp FIFA Days tháng 3/2025.
Và thống kê chỉ ra rằng, trong 2 năm qua, có đến 17 cầu thủ Hà Lan gia nhập đội tuyển Indonesia, biến đội bóng xứ Vạn đảo thành “đội tuyển Hà Lan thu nhỏ”.
Với chuyển biến mạnh mẽ từ nguồn lực nhập tịch, thời gian tới, Indonesia nhiều thời điểm gần như sẽ “sạch bóng” cầu thủ bản địa.
Tiền đạo nhập tịch Patrik Gustavsson của đội tuyển Thái Lan. Ảnh: INT. |
Việt Nam không nhập tịch ồ ạt
Chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của Nguyễn Xuân Son, sau khi niềm vui vô địch lắng xuống, không ít người tự hỏi nếu không có tiền đạo này, đội tuyển Việt Nam sẽ đi về đâu ở ASEAN Cup 2024?
Sau 27 năm, “Những chiến binh Sao vàng” đã đánh bại Thái Lan tại sân nhà với tỷ số 2 - 1, cả 2 bàn thắng đều thuộc về Son. Huấn luyện viên Kim Sang Sik tiếc nuối vì các học trò của ông có thể giành chiến thắng với cách biệt lớn hơn. Tuy vậy, tỷ số 2 - 1 cùng với tâm lý tự tin, hưng phấn đã giúp các tuyển thủ Việt Nam đứng vững, vượt qua những thách thức chông gai trong trận lượt về trên đất Thái.
Son phải rời sân sớm ở trận chung kết lượt về và cũng chỉ chơi từ trận cuối vòng bảng, song anh có 3 cú đúp qua 4 lần ra sân. Với 7 bàn thắng, tiền đạo này giành giải “Vua phá lưới” cùng với “Cầu thủ xuất sắc nhất” ASEAN Cup 2024.
Trước 2 trận chung kết, thầy trò huấn luyện viên Masatada Ishii luôn khẳng định đã có kế hoạch khóa “sát thủ” Son. Nhưng nói là một chuyện, còn làm được hay không lại là câu chuyện khác! Son đủ tốc độ, thể lực và sự lì lợm để hàng thủ của Thái Lan không thể theo kèm, kể cả khi họ sử dụng 2 - 3 cầu thủ.
Điều quan trọng là Xuân Son rất biết cách chớp cơ hội để ghi bàn. Không chỉ vậy, anh còn được đánh giá cao ở khả năng làm tường, kĩ thuật xử lí bóng và những đường chuyền với độ chính xác cao. Không quá lời khi nói rằng tiền đạo 27 tuổi này đã nâng hàng công của đội tuyển Việt Nam lên tầm cao mới, giúp các vị trí khác chơi tốt hơn.
Nên nhớ 3 trận mở màn không có Son cũng là 3 trận mà đội tuyển Việt Nam chơi mờ nhạt nhất, thiếu ý tưởng trong tấn công. Khi chưa có Son, đội tuyển Việt Nam chỉ ghi được 6 bàn, nhưng khi có anh thi đấu, chúng ta đã ghi đến 15 bàn ở 5 trận sau đó.
Thành công của Nguyễn Xuân Son với đội tuyển Việt Nam có thể mở đường cho nhiều cầu thủ nhập tịch khoác áo “Những chiến binh Sao vàng”.
Đó có thể là Hendrio, đồng đội của Xuân Son ở câu lạc bộ Nam Định. Cầu thủ này được huấn luyện ở lò đào tạo trẻ trứ danh La Masia của Barcelona, và hiện là một trong những cầu thủ ngoại đẳng cấp nhất V-League.
Hay Jason Quang Vinh Pendant, cầu thủ có bố là người Pháp, mẹ là người Việt Nam. Ngay từ khi nổi lên ở Pháp trong màu áo câu lạc bộ Sochaux, anh đã bày tỏ nguyện vọng khoác áo đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ sinh năm 1997 thi đấu rất hay trong vai trò hậu vệ trái ở câu lạc bộ Công an Hà Nội. Đây là vị trí mà đội tuyển Việt Nam vẫn còn thiếu, kể từ khi Văn Hậu nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương liên miên.
Và cũng phải nhắc đến Geovane Magno (câu lạc bộ Hà Tĩnh), tiền đạo này đã đáp ứng điều kiện sinh sống và làm việc ở Việt Nam trong 5 năm khi bắt đầu thi đấu ở V-League từ năm 2019. Geovane đã chứng tỏ được tài năng khi từng thi đấu cho nhiều đội mạnh như Hà Nội FC, Viettel, Công an Hà Nội...
Mặc dù vậy, đội tuyển Việt Nam sẽ tính toán nhân sự cầu thủ nhập tịch sao cho phù hợp, không tiến hành hàng loạt như bóng đá Indonesia.
Ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết: “Đội tuyển Việt Nam luôn mở cửa với các cầu thủ nhập tịch, nhưng điều quan trọng là công tác đào tạo trẻ vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Việc chọn ai lên đội tuyển do huấn luyện viên Kim Sang Sik. Chúng tôi sẽ có sự tính toán để sử dụng nguồn cầu thủ nhập tịch với số lượng ở mức hợp lý nhất, chứ không có chuyện gọi ồ ạt như Indonesia đang làm.
Nhìn từ Indonesia tại ASEAN Cup 2024, chúng ta rút kinh nghiệm, cái gì cũng ở mức độ hợp lý. Cả thế giới đều tập trung cho đào tạo trẻ và bóng đá Việt Nam không thể khác. Sau Xuân Son, chúng tôi đang nhắm đến Jason Quang Vinh Pendant”.
Tại ASEAN Cup 2024, Malaysia triệu tập một số cầu thủ nhập tịch như tiền vệ Endrick, tiền đạo Paulo Josue (Brazil), tiền vệ Fergus Tierney (Scotland) và Ezequiel Aguero (Argentina). Tuy nhiên, Hổ vàng vẫn thiếu vắng nhiều trụ cột do câu lạc bộ không chịu nhả quân, nên đã sớm dừng bước ở vòng bảng kì thứ 2 liên tiếp.
Nhưng ở vòng loại ASIAN Cup 2027 sắp tới, Malaysia không những có đội hình mạnh nhất, mà còn được bổ sung 7 cầu thủ mới nhập tịch. Người Mã đặt mục tiêu giành ngôi nhất bảng, qua đó lần thứ 2 tham dự giải vô địch châu Á. Tại vòng loại này, diễn ra vào cuối tháng 3, Malaysia nằm ở bảng F cùng với Việt Nam, Lào và Nepal. Theo thể thức, chỉ đội nhất bảng mới đoạt vé vào vòng chung kết. |
Nguồn:Bóng đá Đông Nam Á: 'Nóng' cuộc đua nhập tịch