Cà Mau chủ động các phương án ứng phó với thiên tai
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2023, thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 6 người bị thương; chìm 14 phương tiện thủy; thiệt hại, hư hỏng 1.181 căn nhà và các công trình dân sinh, công trình sản xuất; sạt lở ven sông 261 vị trí với chiều dài 6,4 km, sạt lở bờ biển 29 km. Có 30.752 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa, cây lâm nghiệp, rau màu, chuối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng,... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 52 tỷ đồng.
Riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 1 người mất tích, chìm 2 phương tiện, 16 căn nhà bị sập, hư hỏng, 52 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 1,59 km. Đặc biệt, trong đợt hạn hán đã làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19 km. Ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 30,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn hán còn khiến khoảng 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt,...
U Minh Hạ là một trong những địa phương có mức độ thiệt hại khá nghiêm trọng. UBND huyện U Minh Hạ cho biết, trong năm 2023, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện bị thiệt hại hơn 520 ha, chủ yếu là diện tích sản xuất lúa với hơn 420 ha; toàn huyện có 227 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng. Năm 2024, tình hình thời tiết có phần khắc nghiệt hơn khi đến nay đã có 1.100 ha tôm bị thiệt hại và hơn 1.000 hộ dân bị thiếu nước...
Mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao, nếu không chủ động ứng phó sẽ gây thiệt hại đến đời sông sinh hoạt, sản xuất của người dân. |
Theo dự báo, trong năm 2024 số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khoảng 10-12 cơn trên biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông sẽ kéo theo gió Tây Nam mạnh gây ra thời tiết xấu. Dông, lốc, sét, gió giật mạnh,... xuất hiện với cường độ mạnh. Khả năng xuất hiện những đợt gió mùa Tây Nam mạnh gây ra thời tiết nguy hiểm trên biển, nước biển Tây dâng cao bất thường và mưa lớn diện rộng trên đất liền,...
Trước dự báo trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai. nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, từng bước xử lý dứt điểm trọng điểm đê biển Tây; nâng cấp các công trình cảng cá, kết hợp làm nơi neo đậu tránh, trú bão.
Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn lực hợp pháp cho các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và phục hồi tái thiết sau thiên tai. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTT, hướng dẫn các biện pháp PCTT, đặc biệt là về việc đóng Quỹ PCTT để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, đồng thuận, tự giác thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác PCTT.
Khô hạn kéo dài khiến nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh sụt lún. Ảnh: NH. |
Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, các sở, ngành và chính quyền địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh kế hoạch PCTT&TKCN cụ thể, sát với thực tế theo từng cấp cũng như từng loại hình thiên tai. Sau khi có kế hoạch phải triển khai thực hiện ngay, thường xuyên kiểm tra để hoàn thành sớm nhất với tinh thần khẩn trương nhất. Đồng thời, cần tiến hành nhân rộng các cách làm hay trong công tác PCTT.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau vừa ban hành phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc triển khai thực hiện phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo phương châm “04 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) thực chất, hiệu quả.
Phương án xây dựng 3 kịch bản ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt và nước dâng. Trong đó, bao gồm kịch bản 1: Mưa lớn kèm theo lốc, sét với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1; Kịch bản 2: Mực nước lũ cao (do ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường) từ báo động 1 đến dưới báo động 2 tại các trạm trên 01 lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc) cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 1; từ báo động 2 đến dưới báo động 3 cộng 1m tại các trạm trên 01 lưu vực sông và từ báo động 1 đến dưới báo động 2 tại các trạm trên nhiều lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc), cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 2; từ báo động 2 đến dưới báo động 3 cộng 1,0m tại các trạm trên nhiều lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc), cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 3.
Kịch bản 3: Độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều gây ra mực nước tổng cộng cao từ 1,0m đến 2,0 m cho khu vực ven biển Đông và ven biển Tây tỉnh Cà Mau, cấp độ rủi ro do nước dâng cấp 2 và độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều gây ra mực nước tổng cộng cao từ trên 2,0 m đến 3,0 m cho khu vực ven biển Tây tỉnh Cà Mau, cấp độ rủi ro do nước dâng cấp 3.
Việc xây dựng, ban hành phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau (cập nhật năm 2024) nhằm nâng cao năng lực, chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo các cấp độ rủi ro của các ngành, các cấp và người dân; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng gây ra trên địa bàn tỉnh. Không để xảy ra thiệt hại về người do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản...
Thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý thiên tai; lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cấp tỉnh; nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống thiên tai cộng đồng. Đồng thời, kết hợp các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.
Về biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác đến các cấp, các ngành và nhân dân; thông tin dự báo phải cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu và không chủ quan; triển khai phương án dự phòng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khi có sự cố. Triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó kịp thời, sát tình hình thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”, thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ trong trường hợp thông tin liên lạc bị gián đoạn; tổ chức phân công cán bộ chỉ huy trực tiếp, cán bộ điều hành bám địa bàn; xác định những nơi trọng yếu và tăng cường lực lượng, phương tiện cứu nạn, sơ cấp cứu ứng trực trước thời điểm thiên tai xảy ra.
Nguồn: Cà Mau chủ động các phương án ứng phó với thiên tai