Các khu công nghiệp phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại mỗi năm
Sáng nay (28/3), tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam”. Các ý kiến cho rằng, thời gian qua dù có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội cho đất nước, song các khu công nghiệp hiện chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội.
Toàn cảnh Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam. (Nguồn: Internet) |
Tại diễn đàn, đại diện Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chia sẻ thực trạng hiện nay các khu công nghiệp trên cả nước mỗi năm phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại. Nhiều khu công nghiệp trên cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo đại diện Bộ TN&MT, cả nước có 29 KCN đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. KCN chưa có hệ thống nước thải nằm ở các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Ninh Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Nguyên nhân khiến KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung như: tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa giải phóng được mặt bằng xây khu xử lý nước thải, thiếu vốn đầu tư.
“Hiện nay, 100% KCN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Cả nước có hơn 12.200 cơ sở hoạt động trong KCN, phát sinh hơn 4,2 triệu tấn chất thải rắn. Trong đó, KCN tại vùng Đông Nam Bộ chiếm 61,02 %. Chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN hàng năm khoảng 550.000 tấn. Các KCN tại trung du miền núi phía Bắc phát sinh nhiều nhất, chiếm 45%”, đại diện Bộ TN&MT cho biết.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ TM&MT thanh tra, kiểm tra 242 cơ sở, dự án bao gồm các KCN và dự án trong KCN. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: công trình bảo vệ môi trường khi xây dựng sai khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường; thiếu báo cáo giám sát chất thải định kỳ; lưu giữ và chuyển giao chất thải; trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải theo quy định.
Năm 2019, Bộ TN&MT đã đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường. Bộ TN&MT thành lập các Tổ giám sát và tổ chức Đoàn công tác giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại một số dự án trọng điểm như: Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam; Nhà máy Bột - Giấy VNT19; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - Bình Thuận; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi…
Trong các năm từ 2017 đến năm 2020, xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường là sự cố vỡ đập bãi Gyps thải tại Công ty DAP 2 xảy ra vào tháng 9/2018.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội - đánh giá, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu. Một số KCN chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, chưa có sự giám sát thường xuyên các hoạt động xả thải, nhất là khí thải. Tác động về môi trường của một số KCN có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư xung quanh.
Các ý kiến cho rằng, để phát triển khu công nghiệp bền vững thời gian tới, nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý khu công nghiệp nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng khu công nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đến năm 2030 cần hình thành hệ thống khu công nghiệp phát triển ổn định, đồng bộ, hiện đại, hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội…
Nguồn: Các khu công nghiệp phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại mỗi năm