Cần 156.000 tỷ đồng để đầu tư tuyến cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên
Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên |
Để ‘đánh thức’ vùng đất đai trù phú của Tây Nguyên trở thành một vùng kinh tế phát triển, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng, cần được đẩy mạnh đầu tư.
Hiện nay, vùng Tây Nguyên chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19km, chỉ mới đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường.
Do đó, hỗ trợ nguồn lực để sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng là một trong những kiến nghị ưu tiên hàng đầu của lãnh đại các địa phương Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn. |
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 (2021 - 2025) sẽ triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương..), với kinh phí khoảng 28.000 tỷ đồng, trong đó Bộ Giao thông vận tải đã bố trí khoảng 12.300 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương, và ngân sách địa phương dự kiến bố trí khoảng 6.500 tỷ đồng, số còn lại kêu gọi vốn ngoài ngân sách.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030), nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng, với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu gần 90.000 tỷ đồng.
Nhất trí cho rằng yếu tố quan trọng cho phát triển Tây Nguyên là kết cấu hạ tầng, ông Andrew Jefffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết ADB đã cam kết hỗ trợ 8 dự án tại Tây Nguyên giai đoạn 2023 - 2026. "ADB sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên phát triển năng lực kết nối vùng".
Ngoài hạ tầng giao thông, lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên còn kiến nghị cần sớm thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên, bảo đảm điều phối hiệu quả các hoạt động liên vùng.
Đối với nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh...
Theo ông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, chương trình phát triển sâm Việt Nam; chính sách chi trả dịch vụ hấp thụ các-bon rừng...
Với lợi thế về nông sản, dược liệu, lãnh đạo tỉnh Kon Tum mong muốn các bộ, ngành giới thiệu các doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.
Bí thư tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang khẳng định: “Tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Cũng tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 20/10, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany khẳng định cam kết sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các quy định về kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng mà Nghị quyết 23 đưa ra.
Theo đó, từ ngày 28-30/11, EuroCham và 9 hiệp hội doanh nghiệp thành viên sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện sẽ thu hút 150 nhà đầu tư lớn của châu Âu đến Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ "Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững".
Theo ông, hiện nay, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính gồm kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. "Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ".
"Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất", Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, các địa phương Tây Nguyên cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ, tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, cứ 10 ngày phải kiểm tra tiến độ các dự án, dứt khoát ai không làm được thì thay thế, không điều chuyển nguồn sang năm 2023, dành vốn cho các dự án giải ngân tốt.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, vừa chống lạm phát vừa phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, phân loại trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp nào làm tốt, làm đúng thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm; doanh nghiệp nào khó khăn thì có cách hỗ trợ để tiếp tục phát triển, "anh nào làm sai thì phải xử lý để bảo vệ người làm tốt, làm lành mạnh môi trường đầu tư".
Nguồn: Cần 156.000 tỷ đồng để đầu tư tuyến cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên