Cần đánh giá đúng giá trị đặc biệt của Vườn Quốc gia Xuân Thủy
Nhà báo Nhật Anh - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế và Môi trường cùng ông Bùi Đức Long - Chủ tịch Tập đoàn Vicoland tại buổi khảo sát. |
Tại buổi khảo sát, Nhà báo Nhật Anh - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế và Môi trường cho hay, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, phóng phú và nơi sinh sống của nhiều cá thể chim thuộc diện cần phải bảo vệ đặc biệt. Do đó, việc đánh giá tác động môi trường tại đây có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Xác định được vai trò, vị thế và tầm quan trọng của vùng đất ngập nước Xuân Thủy, trong suốt nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, cũng có những hiện tượng nhiều khu vực chưa làm tốt điều này, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh thái của Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
“Chúng ta cần đánh giá đúng giá trị đặc biệt của khu vực sinh thái này để có những giải pháp căn cơ nhất nhằm bảo vệ bằng được những món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Nam Định nói riêng, Việt Nam chúng ta nói chung” - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế và Môi trường nhấn mạnh.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) còn là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, nơi cư trú của các loài chim nước) đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, từ năm 1989. Đến tháng 12/2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy ở khu vực trung tâm.
Vườn quốc gia Xuân Thủy được biết đến là khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, nơi sông Hồng đổ ra biển (gọi là cửa Ba Lạt) và có ranh giới phía Nam là sông Vọp; thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Với diện tích vùng bảo tồn rộng 7.100ha, bao gồm vùng bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh và vùng đệm rộng 8.000ha, trong đó có gần 3.000ha rừng ngập mặn.
Vườn quốc gia Xuân Thủy - đàn cò di trú. Ảnh: vamco.com |
Cồn Ngạn lớn nhất ở Vườn quốc gia, với các đầm nuôi trồng thủy sản và hầu hết có rừng ngập mặn bao phủ. Cồn Lu gồm một bãi cát rộng, cùng các bãi bồi lầy và diện tích nhỏ các đầm nuôi trồng thủy sản. Cồn Xanh nhỏ nhất và vẫn đang tiếp tục bồi đắp phù sa từ sông Hồng. Cồn Lu và Cồn Xanh thường bị ngập khi thủy triều lên.
Trong khu vực Vườn quốc gia, nơi cao nhất chỉ 3m, mực nước sâu nhất khoảng 6m. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh có giá trị cao, cùng các loài động-thực vật hoang dã, và đặc biệt là các loài chim di cư quý hiếm.
Thực vật ưu thế trong rừng quốc gia Xuân Thủy là loài cây Trang, Bần, Tra và Ô rô mọc tự nhiên rải rác khắp khu vực. Riêng trên Cồn Lu, cây Phi lao được trồng với diện tích lớn, đây là sinh cảnh quan trọng cho các loài chim rừng di cư. Ngoài ra, các loài rong thuộc 2 ngành rong đỏ và rong xanh có giá trị kinh tế cao, nhất là loài Rong câu chỉ vàng.
Hệ động vật ở đây nổi bật với gần 220 loài chim. Đặc biệt, số lượng chim nước ghi nhận được trong mùa chim di cư lên tới 30.000 - 40.000 cá thể. Một số loài chim quý hiếm như: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân màng lớn, choắt đốm đen, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc, te vàng, mòng bể mỏ ngắn, bồ nông, cò lạo Ấn Độ...
Trải qua quá trình phát triển lâu đời, cộng đồng địa phương sinh sống ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tạo lập nên những làng quê ven biển trù phú, những công trình kiến trúc độc đáo như: nhà Bổi, nhà Thờ, chùa chiền... pha trộn hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Trong đó, hệ thống các nhà thờ được xây dựng nguy nga và bề thế, bởi ở đây có khá đông người dân theo đạo thiên chúa.
Vườn quốc gia Xuân Thủy - thuyền trên sông Vọp. Ảnh vamco.com |
Khu vực cửa sông Ba Lạt còn tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của cư dân ven biển đồng bằng châu thổ Sông Hồng, với tập quán nuôi trồng, khai thác quảng canh nguồn lợi thủy sản, phát triển các đầm nuôi tôm, vây vạng rộng hàng ngàn hécta. Ghe thuyền là phương tiện di chuyển phổ biến nơi đây. Ngoài ra, người dân còn làm nước mắm, và tận dụng nguồn hoa rừng ngập mặn để nuôi ong lấy mật...
Nguồn: Cần đánh giá đúng giá trị đặc biệt của Vườn Quốc gia Xuân Thủy