Cần Thơ chú trọng bảo vệ, khai thác tài nguyên nước bền vững
TP.Cần Thơ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Đây cũng là đặc trưng của thành phố, đồng thời có vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các mục đích sử dụng khác. Theo đánh giá của Sở TN&MT thành phố, tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn TP.Cần Thơ đã và đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
TP.Cần Thơ với cấu trúc địa tầng yếu, cao trình thấp, khi lũ lụt từ thượng nguồn đổ về hoặc nước biển dâng cao dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương gây ngập lụt, sụt lún đất và ô nhiễm nguồn nước. Đáng lưu ý, trước đây, TP.Cần Thơ hầu như không bị tác động bởi xâm nhập mặn do cách biển Đông hơn 70km. trong những năm gần đây, nước mặn từ biển Đông đã xâm nhập vào địa bàn nơi giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước một số tuyến sông, kênh rạch. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, công nghiệp cũng đang làm cho chất lượng nguồn nước tại một số thời điểm, khu vực trên địa bàn thành phố bị suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.
TP. Cần Thơ chú trọng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua cấp phép khai thác, sử dụng. |
Trước những thách thức trên, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, TP.Cần Thơ chú trọng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố luôn được thực hiện đúng theo quy định của Luật tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Địa phương này áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất với phương châm: nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng thì không cấp mới giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. Đồng thời, thực hiện quan trắc động thái nước dưới đất hằng năm để theo dõi mực nước. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng hạ thấp mực nước cũng như ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các hoạt động của con người đối với nguồn nước dưới đất.
Sở TN&MT đã trình UBND thành phố phê duyệt danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn; hoàn thành dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu và tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn tại TP Cần Thơ” do Bộ Ngoại giao Hàn quốc tài trợ. Thành phố đã phê duyệt, công bố danh mục 63 hồ, kênh/rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố. Sở TN&MT tiếp tục phối hợp UBND quận, huyện rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, kênh/rạch không được san lấp trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn của Thành phố đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước.
Hiện nay, tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố ước khoảng 122.400 m3/ngày/đêm. Riêng nước thải sinh hoạt trên địa bàn quận Ninh Kiều được thu gom tại 8 phường và đưa về Nhà máy xử lý nước thải TP Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng) xử lý. Nước thải tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tại khu công nghiệp...
TP.Cần Thơ đầu tư và đưa vào vận hành 4 trạm quan trắc tự động được đặt tại điểm đầu và cuối nguồn sông Hậu, Khu công nghiệp Trà Nóc và khu vực cấp nước sinh hoạt của thành phố. Các hoạt động thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy sông, kênh rạch… thường xuyên được các địa phương, các tổ chức đoàn thể triển khai cũng góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của tài nguyên nước.
Địa phương này áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất, đẩy mạnh quan trắc nguồn nước. |
UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 2139/UBND-KT về việc triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP.Cần Thơ giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, huyện, xã nghiên cứu, quán triệt, tập huấn và tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc các hình thức phù hợp khác, trong đó, tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP; Nghị định số 54/2004/NĐ-CP; Thông tư số 03/2024/TT BTNMT; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT và Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương đảm bảo phù hợp với quy định tại các Nghị định, Thông tư nêu trên, trong đó. lưu ý đến các quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; phòng, chống khắc phục tác hại do nước gây ra; cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép về tài nguyên nước; phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định điều chỉnh dòng chảy tối thiểu bảo vệ nước dưới đất
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp giấy phép thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà chưa nộp hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khẩn trương thực hiện nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước; rà soát, kiểm tra việc cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước.
Cùng với đó, tham mưu UBND TP. Cần Thơ quyết định việc phân cấp ủy quyền cho Sở TN&MT cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài ra, UBND TP. Cần Thơ cũng giao UBND các quận, huyện xác nhận đăng ký khai thác nước dưới đất; chỉ đạo UBND cấp xã tiếp nhận, kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 54/2024/NĐ- CP.
Thời gian tới, Sở TN&MT TP.Cần Thơ tiếp tục tổ chức thực hiện dự án xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản TNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Sở phối hợp giám sát, theo dõi diễn biến khí tượng, thủy văn, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.../
Nguồn: Cần Thơ chú trọng bảo vệ, khai thác tài nguyên nước bền vững