Cần Thơ gấp rút ứng phó với triều cường tháng 11
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, triều cường giữa tháng 11 sẽ tiếp tục lên cao tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Trong đó, vùng giữa (bao gồm TP Cần Thơ), mực nước lớn nhất tháng 11 phổ biến xuất hiện vào các ngày từ 17 - 18/11.
Cần Thơ gấp rút ứng phó với triều cường tháng 11 (Ảnh minh họa) |
Hiện, TP Cần Thơ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xác định nguyên nhân gây ngập đô thị, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong vận hành hệ thống chống ngập, kiểm tra và xử lý những hư hỏng của đê bao, bờ bao… nhằm đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân khi triều cường dâng cao.
Trong đó, tại Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) - với đặc điểm địa hình nằm giữa dòng sông Hậu, nơi đây đã đầu tư xây dựng các đoạn đê, kè mới; khi hoàn thành sẽ góp phần ngăn lũ, chống sạt lở, đảm bảo đời sống cũng như hoạt động kinh doanh du lịch, bảo vệ vườn cây ăn trái cho người dân trên cồn.
Riêng với nội ô quận Ninh Kiều, theo thống kê của ngành chức năng quận, trong đợt lũ kết hợp triều cường tháng 10, trên địa bàn có 13 tuyến đường bị ngập.
Ngành chức năng quận đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp hệ thống bờ kè, lan can giáp công viên Ninh Kiều bằng các biện pháp xây cao thêm hàng gạch và chắn các bao cát. Khảo sát các hệ thống đê bao trên địa bàn Cồn Khương, các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập sâu lập thủ tục đầu tư, gia cố.
Để thực hiện tốt công tác an toàn giao thông, chủ động ứng phó với triều cường sắp tới, UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu đơn vị quản lý âu thuyền, hệ thống cống, van ngăn triều, các trạm bơm thực hiện đóng, mở đúng thời gian khi triều dâng cao và xuống thấp.
Tổ chức theo dõi diễn biến mưa, triều cường, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động ứng phó; tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các ngày triều cường lên cao; duy trì lực lượng ứng cứu, hướng dẫn giao thông tại các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao nhau; tăng cường kiểm tra, gia cố đê bao, bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái, các cồn trên sông Hậu…
Trước đó, TP Cần Thơ vừa trải qua các đợt triều cường tháng 9 với đỉnh triều cao xấp xỉ báo động 3 và đợt triều cường tháng 10 với đỉnh triều vượt mức báo động 3; gây vỡ tuyến đê bao thuộc nhánh rạch tiếp giáp với sông Hậu, nước lũ tràn vào làm cho nhiều nhà dân, ao cá, đường giao thông bị ngập sâu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, kinh doanh của người dân.
Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.
Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.
Nguồn: Cần Thơ gấp rút ứng phó với triều cường tháng 11