Cảnh báo: Khủng hoảng nước đe dọa sản xuất lương thực thế giới
Ngày 17/10, Ủy ban Kinh tế Nước toàn cầu (GCEW) đã công bố báo cáo “Kinh tế của nước: Đánh giá chu trình thủy văn như một tài sản chung toàn cầu”, đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng nước hiện nay.
Theo GCEW, thế giới cần một hiệp ước quốc tế mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng. Ủy ban dự báo khủng hoảng nước có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm ít nhất 8% và đe dọa 50% sản lượng lương thực vào năm 2050.
Báo cáo “Kinh tế của nước: Đánh giá chu trình thủy văn như một tài sản chung toàn cầu" cho biết, Biến đổi Khí hậu, sử dụng đất phá hoại và quản lý yếu lâu năm đang đặt chu trình nước toàn cầu vào tình trạng "căng thẳng chưa từng có." Các khu vực đông dân cư như Tây Bắc Ấn Độ, Đông Bắc Trung Quốc, Nam Âu và Đông Âu đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tình trạng thiếu nước.
Sự thay đổi của khí hậu, với những biểu hiện rõ rệt như hạn hán kéo dài và mưa thất thường, cùng với việc quản lý nguồn nước kém hiệu quả là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Ảnh minh họa |
Các tác động của cuộc khủng hoảng nước không chỉ dừng lại ở vấn đề an ninh lương thực. Báo cáo dự báo rằng, đến năm 2050, GDP của các nước thu nhập cao có thể giảm trung bình 8%, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp lên tới 15%. Điều này cho thấy thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến nông nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Mặc dù nước thường được coi là “món quà hào phóng của thiên nhiên," song GCEW nhấn mạnh nước ngày càng khan hiếm và chi phí vận chuyển tốn kém. Báo cáo kêu gọi hành động trước cuộc khủng hoảng nước, cần xem nước là “tài sản chung toàn cầu” và sự chuyển đổi quản lý nước hiệu quả ở tất cả các cấp độ.
GCEW cho biết, nên cân nhắc việc loại bỏ các khoản trợ cấp có hại trong các lĩnh vực sử dụng nhiều nước hoặc chuyển sang các giải pháp tiết kiệm nước, cũng như cung cấp hỗ trợ cho người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.
Báo cáo kêu gọi cần có các cơ chế tài chính để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương hơn, và các ngân hàng cũng nên đặt ra điều kiện bảo vệ nguồn nước khi cho vay.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, cũng là đồng Chủ tịch GCWE, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định giá nước một cách hợp lý và kết hợp với các chính sách hỗ trợ người nghèo.
Bà cho biết cần có những nỗ lực toàn cầu để định giá nước một cách chính xác và "triển khai lại" khoảng 600 tỷ USD trợ cấp nông nghiệp hàng năm. Những trợ cấp này đang thúc đẩy việc tiêu thụ quá mức và trồng các loại cây trồng cần nhiều nước ở những vùng không phù hợp.
Trong khi đó, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, đồng Chủ tịch khác của GCWE, cũng nêu bật sự cần thiết phải nhìn nhận nước như một vấn đề toàn cầu, thúc đẩy "đổi mới và đầu tư" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng và "ổn định chu trình thủy văn toàn cầu."
Bà Genevieve Donnellon-May, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Oxford Global Society, cho biết tình trạng thiếu hụt nước ngày càng gia tăng có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị.
Nguồn: Cảnh báo: Khủng hoảng nước đe dọa sản xuất lương thực thế giới