Cảnh báo tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên toàn cầu tăng vọt
Mới đây, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, đến năm 2060, sản lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên trên toàn cầu có thể tăng 60%, làm cản trở việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu và tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo Triển vọng Tài nguyên Toàn cầu năm 2024 của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên trên thế giới - từ thực phẩm đến nhiên liệu hóa thạch, đã tăng gấp ba lần, trung bình hơn 2,3% mỗi năm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng cũng như nhu cầu năng lượng và tiêu dùng gia tăng trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là ở các nước giàu có hơn.
Theo giới phân tích, nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô ở các quốc gia giàu có cao hơn gấp 6 lần so với các quốc gia có thu nhập thấp, ngoài ra các nước giàu cũng gây ra tác động đến khí hậu cũng cao gấp 10 lần.
Báo cáo của UNEP cho thấy hoạt động khai thác và xử lý một lượng lớn tài nguyên tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính làm nóng hành tinh, đồng thời tàn phá hệ sinh thái và gây hại cho sức khỏe con người.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT) |
UNEP cảnh báo, nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá, tình trạng khai thác tài nguyên Trái Đất sẽ tiếp tục gia tăng, cụ thể ở mức gần 60% đến năm 2060 so với mức năm 2020, từ 100 tỷ tấn lên 160 tỷ tấn.
Tác giả chính của báo cáo, ông Hans Bruyninckx, cho rằng, với tốc độ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên như hiện tại, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ vượt mức giới hạn 1,5-2 độ C đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh: “Tình trạng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên gây tác động đến các hệ thống trên Trái đất là không thể chấp nhận, tương tự việc tiếp cận tài nguyên không đồng đều trên thế giới.”
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tài nguyên thiên nhiên cần cho sự phát triển kinh tế ở các quốc gia nghèo hơn và cung cấp khoáng sản và kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trước thực trạng này, UNEP nhấn mạnh: “Lựa chọn duy nhất là ổn định và cân bằng mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.” UNEP kêu gọi thực hiện những thay đổi sâu rộng và thực sự mang tính hệ thống trong các lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, giao thông và xây dựng nhà ở với quy mô và tốc độ chưa từng có.
Cơ quan này cho rằng những thay đổi chính sách, đặc biệt là ở các quốc gia có mức tiêu thụ tài nguyên cao, có thể giúp giảm 30% mức tăng tiêu thụ tài nguyên dự báo, giảm 80% lượng khí thải nhà kính và giúp cải thiện sức khỏe của con người, trong khi vẫn cho phép tăng trưởng kinh tế.
UNEP khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống nhằm giảm lãng phí thực phẩm và cắt giảm lượng protein động vật, xây dựng hệ thống giao thông và nhà ở hiệu quả hơn bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng tái chế.
Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, nơi cần nhiều nguồn tài nguyên hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống, cơ quan này nhấn mạnh vào giải pháp tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe.
Nguồn:Tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên toàn cầu tăng vọt ảnh hưởng đến môi trường