Cao Bằng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa Nâng cao hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa |
Người dân thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) chăm sóc cây ngô lai NK7328 và NK7328 biến đổi gen - Ảnh: IT. |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, năm 2023, toàn tỉnh Cao Bằng trồng được 40.559 ha ngô, đạt 100% kế hoạch; năng suất đạt 37,2 tạ/ha, sản lượng đạt 150.595 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác còn hạn chế dẫn đến năng suất, sản lượng cây trồng đạt được chưa cao. Để phát triển nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng đối với các cây trồng có giá trị, các cấp, ngành tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống mới vào trồng thử nghiệm, trồng đại trà; liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Trùng Khánh, mô hình giống ngô lai NK7328Bt/GT (Giống ngô biến đổi gen) vụ xuân năm 2023 được gieo trồng tại khu rẫy xóm Bo Đa, thị trấn Trùng Khánh có tổng diện tích trên 1.000m2. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trùng Khánh tham gia tích cực từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Qua đánh giá trực tiếp tham quan mô hình người dân cho thấy, giống ngô lai biến đổi gen NK7328Bt/GT có tỷ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh truởng trung bình 115 ngày, dạng hình cây gọn với chiều cao cây 200-230 cm, bộ lá xanh lâu tàn, cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu sâu bệnh tốt. Độ hạt đồng đều, mẩy, hạt đóng kín đầu bắp, lõi nhỏ, chống chịu được nhiều loại sâu bệnh gây hại, phù hợp với khí hậu ở địa phương có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Năng suất ước đạt trên 67 tạ/ha, cao hơn các giống ngô lai khác người dân đang trồng ở địa phương.
Được biết, thời gian tới huyện Trùng Khánh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền tới bà con nhân dân đưa giống ngô biến đổi gen NK7328Bt/GT vào sản xuất để tăng năng suất và sản lượng lương thực của huyện nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Còn tại huyện Hà Quảng - một trong những địa phương có thế mạnh về trồng ngô, năm 2023, huyện Hà Quảng trồng 6.408 ha, năng suất đạt hơn 30 tạ/ha, sản lượng trên 19.000 tấn. Được biết, để phát triển cây ngô thành hàng hóa, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị cung ứng giống; cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân gieo trồng đạt kế hoạch; nắm tiến độ và chỉ đạo áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng; giám sát hoạt động cung ứng giống ngô, lúa và các loại vật tư phục vụ sản xuất, đảm bảo kịp thời, đạt chất lượng. Triển khai nhiều mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Tổ chức điều tra, dự tính, dự báo thời gian phát sinh và mức độ gây hại của dịch bệnh trên đồng ruộng; hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, bảo vệ cây trồng,…
Người dân xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng chăm sóc diện tích ngô vụ hè thu - Ảnh: IT |
Trong năm 2023, huyện Hà Quảng cung ứng 48.895 kg giống ngô, lúa, trong đó có 32.492 kg giống ngô các loại. Việc chuyển đổi cơ cấu giống đã hạn chế được tình trạng sâu bệnh gây hại, đảm bảo lịch thời vụ, giúp người trồng tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.
Là đơn vị cung cấp các loại giống và vật tư nông nghiệp uy tín nhiều năm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Công ty TNHH Sygenta Việt Nam hiện phát triển trên 40 đại lý, tổng đại lý tại các huyện; trung bình cung ứng cho thị trường trên 100 tấn giống các loại/năm. Riêng năm 2023, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cung ứng cho tỉnh hơn 100 tấn giống các loại, trong đó, giống ngô lai NK7328 và NK7328 biến đổi zen chiếm khoảng 50 tấn. Nếu tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, cây ngô cho năng suất lên đến 75 tạ/ha. Thị phần cung ứng giống phục vụ sản xuất của các dòng ngô lai NK Sygenta trên địa bàn tỉnh chiếm trên 30%; trung bình, đơn vị tổ chức khoảng 20 mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân/năm. Trong quá trình triển khai, đơn vị tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm, đánh giá tổng kết, chia sẻ kết nối phát triển cây trồng đạt hiệu quả.
Người dân huyện Thạch An tìm mua giống ngô lai tại cửa hàng dịch vụ nông nghiệp huyện - Ảnh: IT |
Việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân đưa giống mới vào sản xuất cũng như tổ chức mô hình trình diễn giống ngô lai và các loại giống mới trong nông nghiệp góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế; hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp năm 2023. Thời gian tới, các huyện, Thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình; tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới; tuân thủ canh tác đúng khung thời vụ và tăng cường liên kết tổ chức sản xuất các cây trồng nông nghiệp hàng hóa, góp phần tăng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn:Cao Bằng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu