Cao Bằng: Mưa lớn, hàng trăm ngôi nhà và hơn 1.300ha cây nông nghiệp bị hư hỏng
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng cho biết, từ ngày 22/8, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xảy ra mưa lớn kèm gió lốc kéo dài trên diện rộng, phạm vi ảnh hưởng gồm các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An và thành phố Cao Bằng
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS), phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn gây ngập cục bộ khu vực vùng trũng xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh; toàn bộ khu vực thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng bị ngập úng độ sâu 0,5-1,0 m, bị cô lập từ 16h30 đến khoảng 21h00 ngày 23/8; Sông, suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ, gây ngập các khu vực ven sông Bằng của huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng cao từ 0,3-1,0m.
Lũ trên các sông đã khiến 203 nhà dân bị ngập lụt, sạt lở. Trong đó có 163 hộ dân ở Hòa An và TP.Cao Bằng bị ngập; 39 hộ dân ở Hòa An, Trùng Khánh bị sạt lở mái taluy; 1 nhà dân ở thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An sập hoàn toàn.
Bên cạnh đó, 27 hộ dân ở xóm Canh Biện, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An có nguy cơ sạt lở cao đã di dời đến nơi an toàn.
Mưa lớn gây ngập lụt và làm 462 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bị ảnh hưởng |
Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường nội tỉnh, liên xã ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, TP.Cao Bằng bị ngập lụt, sạt lở đất, đá, vùi lấp mặt đường, gây ảnh hưởng giao thông. Cụ thể, Quốc lộ 3 bị sạt lở tại Km278+120 (phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng) khiến giao thông tê liệt từ 3h sáng 24/8. Tuyến đường tỉnh 202 thuộc địa phận xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình xuất hiện hố sụt lún lớn gây tắc cục bộ.
Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, tình hình thiệt hại như sau: Không có thiệt hại về người; 462 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại (nhà ở bị sập hoàn toàn: 1 nhà, do sạt lở đất taluy dương tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An); số hộ bị ngập nước dưới 1,0 m là 407 hộ ( Thành phố 178 hộ; huyện Hòa An 97 hộ; huyện Hà Quảng 91 hộ; Trùng Khánh 41 hộ); số nhà bị sạt đất là 53 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất taluy dương (huyện Hòa An: 35 nhà; Trùng Khánh: 5 nhà; Hà Quảng 4 nhà; Thạch An 9 nhà); nhà bị ảnh hưởng do nước cuốn theo đất đá vào nhà là1 nhà, tại huyện Thạch An.
Về nông nghiệp, diện tích lúa và hoa màu bị ngập nước: 1.319,79 ha (huyện Hòa An 577,96 ha; thành Phố Cao Bằng 360 ha; Hà Quảng 180,52 ha, Trùng Khánh153,08; Quảng Hòa 48,23 ha). Diện tích hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi: 01 ha, tại huyện Thạch An; 3,78 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị ngập, tràn bờ, cuốn trôi.
Đã có 2 nhà văn hóa xóm sạt lở, trong đó 1 nhà bị sạt lở đất taluy dương tại huyện Thạch An; 1 nhà bị hư hỏng mái do cành cây rơi trúng tại huyện Trùng Khánh.
Về thuỷ lợi có 3 công trình, tổng chiều dài 49m kênh bị gẫy đổ, vùi lấp tại huyện Hà Quảng…
Để triển khai thực hiện ứng phó với đợt mưa lớn và thực hiện Công văn số 6151/BNN-ĐĐ ngày 19/8/2024 của Bộ NN&PTNT về việc ứng phó với mưa lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành văn bản số 2175/BCH-PCTT ngày 20/8/2024 chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với đợt mưa từ ngày 20/8/2024.
Ngay trong ngày 24/8, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và lực lượng cơ sở đã có mặt tại những nơi xung yếu hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, huy động máy móc, thiết bị sớm xử lý dứt điểm các vị trí sạt lở, ùn tắc, bảo đảm giao thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch yêu cầu lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi thiên tai tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ, cập nhật và thống kê cụ thể, chính xác thiệt hại do mưa lũ, triển khai các phương án, đề xuất để kịp thời hỗ trợ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, huy động máy móc, thiết bị thi công sớm xử lý dứt điểm các vị trí sạt lở, ùn tắc, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; lưu ý lắp đặt biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở, vị trí ngập úng nhằm hướng dẫn và tổ chức giao thông an toàn, thuận lợi; chủ động, sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt, quan tâm việc tuyên truyền, vận động và di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, vùng bị ngập và có nguy cơ bị ngập, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nguồn: Cao Bằng: Mưa lớn, hàng trăm ngôi nhà và hơn 1.300ha cây nông nghiệp bị hư hỏng