CEO Trương Huy Trường: “Chúng tôi có thể ăn mì gói cả tháng để dành tiền nuôi công ty”
LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người. Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp". Bài 44: CEO Trương Huy Trường: “Chúng tôi có thể ăn mì gói cả tháng để dành tiền nuôi công ty” Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả! |
Thành lập từ năm 2011, TMT (Công ty CP Công nghệ Trường Minh Thịnh) mang lại giải pháp công nghệ phần mềm đa lĩnh vực cho người dùng với sứ mệnh “Kiến tạo thành công”.
Hơn 10 năm hình thành và phát triển với đội ngũ hơn 300 nhân sự hoạt động gắn kết 3 miền Bắc - Trung - Nam, TMT hiện đã có mạng lưới người dùng phủ sóng khắp cả nước, cùng hệ sinh thái phần mềm đa dạng được đánh giá cao về tính linh hoạt và tính năng hữu ích, liên tục cập nhật theo xu hướng mới.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Reatimes, CEO Trương Huy Trường đã chia sẻ về chặng đường đầy chông gai đã đi qua cùng những dự định trên chặng đường sắp tới.
Giá trị cốt lõi duy nhất là chất lượng và hiệu quả
PV: Anh và các cộng sự của mình đã nỗ lực ra sao để giành giải Sao Khuê năm 2021 với phần mềm quản lý bán hàng TPOS?
CEO Trương Huy Trường: Mình và các cộng sự đều rất vui mừng, cảm ơn mọi người đã cùng nỗ lực cho sự phát triển của TPos nói riêng và TMT nói chung. Với lượng người dùng đông đảo khắp trong và ngoài nước như hiện nay thì Giải thưởng Sao Khuê như một động lực to lớn, thúc đẩy tôi và đội ngũ cộng sự càng hoàn thiện TPos hơn nữa, đồng thời tạo ra nhiều ứng dụng hữu ích hơn trong tương lai để đáp lại sự kỳ vọng mà quý khách hàng đã dành cho mình.
PV: Startup về công nghệ thì đã quá nhiều rồi, vì sao anh vẫn tiếp tục chọn phát triển trong lĩnh vực này?
CEO Trương Huy Trường: Giai đoạn từ năm 2011 cho đến 2018, mình và các cộng sự mãi loay hoay tìm kiếm giải pháp nhưng thực tế thì chưa mang lại giá trị lớn cho khách hàng, đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Ai cũng mang trong mình sự quyết tâm lớn nhưng quả thực là lúc đó chưa có hướng đi rõ ràng.
Đến năm 2018, sau nhiều nghiên cứu của đội ngũ thì TPos ra đời, đây mới thật sự là giải pháp mang đến nhiều giá trị cho khách hàng.
Chúng tôi không tiên phong trong lĩnh vực này, cũng không phải là mô hình quá mới mẻ ở thị trường Việt Nam hay thế giới, nhưng chúng tôi tìm thấy phân khúc chưa có ai làm khi xu hướng livestream bán hàng nở rộ.
PV: Anh có lo sợ khi công nghệ càng phát triển và tiến đến toàn cầu hóa, sự gia tăng của tầng lớp trẻ giàu sự sáng tạo thì thị phần sẽ bị sụt giảm đáng kể?
CEO Trương Huy Trường: Theo mình thì thị trường phần mềm luôn là một “miếng bánh rất lớn” mà ai cũng muốn giành lấy bởi xu hướng công nghệ hóa đang có độ “phủ” rộng khắp. Tiềm năng của thị trường này thực sự là rất lớn, cũng vì điều đó mà mức độ cạnh tranh cũng cực kỳ cao.
Thời điểm TPos ra đời là lúc mà xu hướng kinh doanh online đang nở rộ đi kèm theo đó là muôn vàn những bất cập của người bán hàng. Với khao khát đưa công nghệ vào quản lý bán hàng, nâng cấp kinh doanh online lên một tầm cao mới mà ở đó, người bán hàng vừa “thông thái” vừa tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, TPos đã ra đời.
Cho tới thời điểm hiện tại, TPos làm tốt “kim chỉ nam” của mình, đó là không ngừng nâng cấp và cập nhật những xu hướng kinh doanh mới nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi luôn đảm bảo rằng những gì mà TPos mang lại luôn là những giá trị tuyệt đối cho người dùng.
PV: Chuyển đổi số vốn là câu chuyện rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong những ngành hàng tiêu dùng, anh có thấy vậy không?
CEO Trương Huy Trường: Các đơn vị kinh doanh hầu như ai cũng muốn hướng tới việc chuyển đổi số, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc nên họ kỳ vọng có được sản phẩm công nghệ nào đó giúp họ giải quyết tốt vấn đề đó. Vấn đề là các startup làm thế nào để nhìn thấy nhu cầu đó và biến nó trở thành sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu của người dùng, vậy thì có thể dễ dàng thu hút được người dùng. Quan trọng là làm thế nào để tìm hiểu và hiểu được nhu cầu của người dùng mà thôi.
Nói về cái duyên để khai sinh ra Startup này thì thực tế là mình rất thích ngành thương mại điện tử, tuy nhiên cũng nhận thấy là thương mại điện tử thì không dành cho những người không có vốn như mình (cười) nên mình và các cộng sự chuyển hướng sang công nghệ - lĩnh vực có thể không cần quá nhiều tiền, thậm chí có thể bắt đầu từ con số 0 như mình và các cộng sự. Đó có thể gọi là sự bén duyên “bất đắc dĩ” đối với ngành công nghệ.
Cái tên Trường Minh Thịnh bắt nguồn từ tên của 3 thành viên ở giai đoạn đầu tiên khi công ty mới thành lập. Mình nghĩ nó thực sự ý nghĩa với cả bản thân mình và cả những Co-founder còn lại.
PV: Để có những thành công ấy, anh và các cộng sự hẳn là đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng gian nan?
CEO Trương Huy Trường: Làm thế nào để duy trì được tốc độ phát triển của công ty và các cộng sự cùng đồng tâm chia sẻ khó khăn để vượt qua là điều mà mình luôn trăn trở. Những điều thú vị kể ra thì nhiều nhưng để nói đáng nhớ nhất có lẽ là khoảng thời gian mà lần đầu tiên mua được máy chủ (cười). Lúc đó, các Co-founder đều ăn mì gói cả tháng ròng nhưng niềm vui ở thời điểm đó là thực sự lớn.
Thực sự thì mình cũng chưa xem đây là thành công gì to lớn mà tất cả chỉ mới là sự khởi đầu. Thời gian mới thành lập TPos không có được những khách hàng lớn. Và để có được TPos với lượng người dùng có thể gọi là khủng như hiện nay thì hoàn toàn nhờ vào giá trị mà nó mang lại. Đi theo giá trị cốt lõi duy nhất là chất lượng và hiệu quả mà ứng dụng mang đến, đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng thì chỉ khi đó TPos mới dần có được những đối tác lớn và lượng người dùng đông đảo.
Ngoài ra, ngay cả những người đi đầu như mình và các cộng sự, đều hoàn toàn không có kinh nghiệm hay những mối quan hệ để khách hàng chú ý tới mình.
Phải lường trước những áp lực và rủi ro
PV: Nhiều Startup phải gọi vốn rất nhiều mới đi được đường dài, anh tự tin không gọi vốn thì có sợ đuối giữa chừng không?
CEO Trương Huy Trường: Một điều đáng tự hào của bản thân mình là cho tới thời điểm hiện tại thì công ty chưa gọi vốn lần nào, và cũng chưa có nhu cầu gọi vốn để phát triển hơn. Những investors lớn nhất của TMT đó chính là khách hàng! Mình nghĩ nếu ý tưởng tốt và có một team sẵn sàng “chiến” mọi lúc mọi nơi thì vốn không phải là vấn đề lớn, cứ đi và hết mình thì sẽ sớm có thành quả thôi.
PV: Trên chặng đường khởi nghiệp, bài học kinh nghiệm và những giá trị mà anh có được là gì? Điều gì tạo nên khác biệt của Startup này so với hàng trăm Startup về công nghệ khác hiện nay?
CEO Trương Huy Trường: Tôi và các cộng sự vẫn luôn thận trọng nhìn lại những gì đã làm được và chưa làm được để cố gắng hoàn thiện hơn trong giai đoạn tới. Không bao giờ được thỏa mãn với những gì đạt được, vì như vậy thì sẽ sớm rơi vào trạng thái chủ quan và bị tụt hậu.
Tới thời điểm này, điều khác biệt của TMT so với những startup khác là dám thử, dám làm những gì mình suy nghĩ và quan trọng là dám để đội ngũ của mình, các chiến binh của mình thử tất cả những vấn đề mà mọi người có thể làm, từ đó tạo ra giá trị khác biệt hơn.
Về ý tưởng, mình nghĩ nó cũng không có gì đặc biệt nhưng làm thế nào để từ ý tưởng trong đầu chuyển thành phép thử và biến nó thành những ứng dụng bằng thực tế, mang lại giá trị cho người dùng, đó là điều mình nghĩ TMT khác biệt hơn so với những công ty khác.
PV: Không chọn đi làm thuê trước khi khởi nghiệp, chắc hẳn gia đình đã có người định hướng sẵn cho bạn hướng về công nghệ?
CEO Trương Huy Trường: Gia đình thì không ai định hướng cho mình khởi nghiệp với công nghệ, quan trọng nhất là đam mê của mình. Ngay từ nhỏ khi thấy người ta đánh máy tính thì mình đã bị thu hút và đam mê. Khi trưởng thành thì mình nghĩ nhiều hơn về những vấn đề đó, hiểu được giá trị của ngành công nghệ mang lại cho đời sống con người, mình đã cố gắng để vượt qua những khó khăn thực tại và đi tới những mục tiêu đề ra.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ làm việc phải làm thuê để tích lũy kinh nghiệm rồi mới tới làm chủ cũng chỉ là một khía cạnh, quan trọng hơn cả là mình phải biết xác định được đang có gì, cần làm gì và có thể làm được những gì để tạo ra sản phẩm thực sự hữu ích với người dùng. Đi làm thuê cũng chỉ có một phần kinh nghiệm ở mặt nào đó thôi, quan trọng là phải có ý tưởng tốt và kế hoạch chi tiết, phải trả lời được câu hỏi tạo ra sản phẩm phục vụ cho ai, có thực sự cần thiết không... nếu không trả lời được một cách rõ ràng thì starup rất khó có thể thành công.
PV: Theo anh để khởi nghiệp với công nghệ thì cần đến những yếu tố nào?
CEO Trương Huy Trường: Thực sự thì rất nhiều thời điểm khiến mình mệt mỏi, chán nản và muốn bỏ cuộc vì như mọi người cũng đã biết thì khởi nghiệp với ngành công nghệ là đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng để mình tiếp tục là nghĩ đến những người đi cùng mình. Một câu hỏi luôn trong đầu mình khi đó, là nếu mình bỏ cuộc thì những người đi cùng mình sẽ như thế nào? Đó là áp lực, cũng chính là động lực để mình vượt qua và phát triển bản thân tốt hơn từng ngày.
Khởi nghiệp với công nghệ tồn tại rất nhiều khó khăn, nó không đơn thuần là chỉ cần có nguồn vốn là có thể duy trì và phát triển. Công nghệ đóng vai trò rất lớn trong đời sống chúng ta, cũng chính vì vậy mà khởi nghiệp ở lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ nguồn lực cho tới con người.
Để vượt qua tất thảy những điều đó thì chỉ có đam mê mới có thể duy trì và có được kết quả tốt được. Từ đó thì bản thân mình cũng trưởng thành hơn, cứng cỏi hơn và rồi cũng sẽ có được những thành quả như mong muốn.
PV: Bứt phá để thành công trong giai đoạn hiện nay được xem là điều cần thiết đối với Startup, anh nghĩ TMT đã đủ bứt phá chưa?
CEO Trương Huy Trường: Thực ra, với mình và các cộng sự thì những gì mà Trường Minh Thịnh đạt được cũng chỉ là bước khởi đầu cho hành trình tiếp theo. Mình không đặt mục tiêu phải 100% hay đã đạt bao nhiêu phần trăm, quan trọng là có thể chủ động trong việc tạo ra những sản phẩm, ứng dụng mà mình mong muốn. May mắn là mình có được những cộng sự đủ bản lĩnh và tài năng để cùng mình tạo nên các sản phẩm và thậm chí là kiến tạo tương lai cho tất cả mọi người.
Đây là giai đoạn bứt phá của ngành công nghệ thì người dùng cũng như các startup dành sự quan tâm rất lớn cho ngành này. Như vậy thì có nhiều lợi thế nhưng cũng tồn tại sự cạnh tranh cực kỳ lớn. Tuy nhiên, công nghệ là phục vụ cuộc sống và công việc hằng ngày của con người thì làm sao tạo ra được những sản phẩm phù hợp với mong muốn của người dùng và định hướng họ thay đổi để tốt hơn mới là điểm chính của vấn đề.
Ngay khi hiểu được insight của người dùng thì việc tạo ra sản phẩm sẽ có nhiều lợi thế phát triển hơn so với những ngành khác. Đó có thể nói là cơ hội để phát triển sản phẩm tốt hơn bao giờ hết đối với ngành công nghệ.
Với mong muốn công nghệ hóa tất cả các ngành nghề truyền thống, đưa quy trình quản lý kinh doanh lên một tầm cao mới thay vì quản lý thủ công, Trường Minh Thịnh đã lấy đó làm kim chỉ nam cho hành trình của cả đội ngũ mình. Và với những gì tạo ra được thì mình cũng như cả đội ngũ khao khát sẽ trở thành một công ty tỷ đô trong tương lai.
PV: Qua hai năm đại dịch, trong khi nhiều công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì TMT vẫn phát triển được số lượng người dùng. Điều gì giúp cho anh và các cộng sự đạt được kỳ tích này?
CEO Trương Huy Trường: Cũng giống như hầu hết các công ty khác, thời gian dịch Covid-19 căng thẳng, những vấn đề xoay quanh như tài chính, khả năng duy trì và làm thế nào để đảm bảo sau dịch thì đội ngũ vẫn còn “nguyên vẹn” để phát triển, đó là khó khăn lớn nhất mà TMT phải đối mặt. May mắn là khi cảm giác sự khó khăn đến mức nguy hiểm thì cũng là lúc tình hình dịch được khống chế. Quả thực là Trường Minh Thịnh đã vượt qua giai đoạn Covid-19 trầy trật và lắm đau thương.
PV: Theo anh, đâu là cơ hội và thách thức khi khiệp ở Việt Nam hiện nay?
CEO Trương Huy Trường: Hiện nay có rất nhiều quỹ đầu tư, các nhà tài trợ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam, đó là cơ hội và cũng là thách thức cho những người trẻ có thể làm được những gì mà họ mong muốn. Điều quan trọng là cần có đủ ý chí, hoài bão, tầm nhìn và chiến lược thì mới đi lâu và đi xa trên con đường khởi nghiệp của mình.
PV: Anh có lời khuyên gì cho những người đi sau?
CEO Trương Huy Trường: Mình nghĩ một Startup thành công cũng cần đến nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất là phải có ý tưởng tốt, tạo ra những sản phẩm phù hợp và mang lại giá trị cho người dùng là điều quan trọng nhất để có được thành công.
Còn nếu chưa tự tin về ý tưởng thì bạn có thể tham khảo từ những người đi trước, học hỏi các Mentor và xây dựng lộ trình đi ít nhất phải trong 5 năm, lường trước những rủi ro có thể gặp phải và tìm kiếm thêm những cộng sự cùng ý tưởng với mình để bắt đầu, khi đã chuẩn bị đủ các yếu tố cần thiết thì thành công sẽ đến thôi.
Cảm ơn những chia sẻ của anh và chúc cho Trường Minh Thịnh ngày càng thành công hơn nữa!
Nguồn: CEO Trương Huy Trường: “Chúng tôi có thể ăn mì gói cả tháng để dành tiền nuôi công ty”